Bệnh phong thấp là một trong những bệnh lý mạn tính của khớp khá phổ biến ở nước ta. Bệnh gây viêm nhiều khớp gây các triệu chứng sưng, nóng, giảm chức năng và biến dạng khớp nếu không điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân bị phong thấp là gì? Hãy cùng Youmed tìm hiểu về nguyên nhân và các triệu chứng của bệnh phong thấp.
Bệnh phong thấp là gì?
Phong thấp hay còn biết đến tên gọi trong tây y là bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và tấn công vào các lớp niêm mạc khớp.
Bệnh phong thấp thường có đặc tính tổn thương đối xứng. Sưng đau ở khớp cùng lúc cả hai bên của cơ thể như ở cả hai bàn tay hoặc cả hai khớp gối. Đây cũng là đặc tính quan trọng giúp phân biệt bệnh phong thấp với các bệnh khác về khớp.
Ở Việt Nam và cũng như các nước khác, bệnh phong thấp là bệnh lý khớp mạn tính phổ biến với tỉ lệ mắc 0,2-1% dân số. Trong đó tỉ lệ mắc phong thấp ở nữ giới cao hơn nam giới khoảng 2-3 lần.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những nguyên nhân thường gặp gây bệnh phong thấp?
Phong thấp là một bệnh tự miễn. Ở thể trạng bình thường, hệ miễn dịch có vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh tấn công gây bệnh như vi khuẩn, virus. Từ đó cơ thể của bạn hạn chế tình trạng nhiễm trùng và bệnh tật.
Trong bệnh phong thấp, khi đó hệ miễn dịch bị rối loạn, thay vì hệ miễn dịch chỉ tấn công vào các yếu tố gây thì cả các mô khỏe mạnh, hoàn toàn bình thường trong khớp cũng bị tấn công. Khi đó tình trạng sưng, đau, biến dạng khớp xuất hiện.
Không chỉ khớp mà còn có thể gây ra các vấn đề khác ở dây thần kinh, tim, phổi, da, và mắt của người bệnh.
Hiện nay các nguyên nhân gây rối loạn miễn ở người bệnh phong thấp chưa rõ. Tuy nhiên nguyên nhân bị phong thấp có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh này như yếu tố môi trường, tuổi, giới tính, gia đình,…
Nguyên nhân bị phong thấp có liên quan đến:
- Nhiễm khuẩn: Parvo virus, Epstein-Barr virus, Vi khuẩn đường ruột, Mycobacterua, Mycoplasma,…
- Rối loạn hệ thống miễn dịch (RF, antiCCP)
- Rối loạn hệ nội tiết
- Các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh như: chấn thương, cơ địa suy yếu, sang chấn tâm lý, stress,…
Triệu chứng của phong tê thấp.
Bệnh phong thấp thường diễn tiến mạn tính kéo dài với các đợt cấp tính có triệu chứng rầm rộ, nổi bật và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong những đợt cấp tính này có triệu chứng sưng đau các khớp nổi bật nhất, kèm theo đó tình trạng sốt và triệu chứng ở một số cơ quan khác.
Các triệu chứng của bệnh thường khá giống nhau bất kể nguyên nhân bị phong thấp là gì. Triệu chứng phong thấp bao gồm nhóm triệu chứng biểu hiện tại khớp và biểu toàn thân ngoài khớp.
Triệu chứng tại khớp
Trong bệnh phong thấp, các khớp tổn thương với đặc điểm đối xứng hai bên. Vị trí tổn thương của các khớp hay gặp nhất:
- Khớp ngón gần.
- Khớp bàn ngón.
- Khớp cổ tay.
- Khuỷu tay.
- Khớp gối.
- Cổ chân.
- Bàn ngón chân.
Theo thống kê khớp bị tổn thương sớm nhất trong bệnh phong thấp là khớp cổ tay. Ít gặp hơn trong giai đoạn sớm là khớp bàn ngón tay và khớp gối. Các khớp còn lại như vai, khớp khuỷu khá hiếm gặp ở giai đoạn khỏi đầu của bệnh.
Trong giai đoạn toàn phát của bệnh, tần suất tổn thương các khớp tăng lên vượt trội so với giai đoạn sớm, gần như biểu hiện tình trạng tổn thương cùng lúc ở nhiều khớp. Đôi khi có tổn thương ở cả khớp háng.
Tính chất và triệu chứng của khớp trong bệnh phong thấp:
- Sưng, đau khớp.
- Sờ thấy nóng tại vị trí các khớp sưng.
- Ít khi đỏ.
- Cứng các khớp vào buổi sáng, thời gian cứng khớp khác nhau ở mỗi người bệnh.
Nếu bệnh không được kiểm soát tốt, các đợt cấp tính với tình trạng sưng đau các khớp xảy ra thường xuyên có nguy cơ gây biến dạng khớp.
Triệu chứng toàn thân và ngoài khớp
- Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, ăn ngủ kém, da niêm nhạt, gầy sút.
- Viêm mao mạch, mạch máu: xuất hiện các hồng ban ở gan bàn tay, gan bàn chân hoặc tổn thương hoại tử tiểu động mạch ở quanh móng, đầu chi với dạng ban xuất huyết.
- Gân cơ, dây chằng và bao khớp: khi các khớp sưng đau, bệnh nhân giảm vận động dẫn đến tình trạng teo cơ gần các khớp. Triệu chứng viêm gân, nặng hơn là đứt gân.
- Mắt: viêm giác mạc mắt, viêm mống mắt.
- Hiếm gặp hơn người bệnh phong thấp có thể gặp hội chứng thiếu máu và hiện tượng rối loạn thần kinh thực vật ( cơn nóng giận hoặc thay đổi tính tình).
Cách chẩn đoán bệnh phong tê thấp
Không có một xét nghiệm nào giúp chẩn đoán chắc chắn nguyên nhân bị phong thấp. Bác sĩ cần phải kết hợp nhiều xét nghiệm máu, chụp phim Xquang và tình trạng của bệnh nhân với các triệu chứng đặc trưng để chẩn đoán bệnh.
Theo Hội thấp khớp học Mỹ, tiêu chuẩn chẩn đoán (ACR 1987) bao gồm:
- Thời gian cứng khớp vào buổi sáng kéo dài hơn một giờ.
- Số khớp viêm ít nhất 3 khớp với thời gian tiến triển của bệnh ít nhất 6 tuần.
- Trong số các khớp viêm có ít nhất 1 khớp thuộc vị trí ngón gần, bàn ngón tay hoặc cổ tay.
- Các khớp viêm có tính chất đối xứng hai bên ( khớp bên trái và phải viêm cùng lúc).
- Có các hạt dưới da.
- Xét nghiệm miễn dịch có yếu tố dạng thấp huyết thanh RF dương tính.
- Hình ảnh Xquang ở khối xương cổ tay điển hình cho bệnh (hình ảnh mất khoáng chất đầu xương, bào mòn)
Người bệnh được chẩn đoán xác định bệnh khi có ít nhất 4 tiêu chuẩn trong các tiêu chuẩn đã nêu trên. Càng có nhiều dấu hiệu phù hợp với tiêu chuẩn trên càng củng cố thêm độ chính xác cho chẩn đoán bệnh.
Bệnh phong thấp là bệnh mạn tính kéo dài với nhiều đợt cấp tính. Bệnh không những gây đau cho các khớp mà còn gây biến dạng các khớp. Từ đó làm giảm chức năng vận động của các khớp và cơ xung quanh khớp. Vì vậy nếu xuất hiện các triệu chứng về khớp như trên hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để tìm các nguyên nhân bị phong thấp và sớm điều trị, tránh các biến chứng gây biến dạng khớp.