Các triệu chứng phong thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thông thường bác sĩ giúp bạn giảm các triệu chứng bằng thuốc hay những phương pháp điều trị khác. Nhưng bạn cũng có thể áp dụng thêm một số cách trị phong thấp tại nhà để nhanh chóng làm giảm triệu chứng. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ hướng dẫn bạn một số cách giúp kiểm soát triệu chứng phong thấp tại nhà.
5 cách kiểm soát triệu chứng phong thấp tại nhà
Tập thể dục
Tập thể dục là một trong những biện pháp chìa khoá nhằm giữ cho các khớp chuyển động linh hoạt. Người bệnh phong thấp có xu hướng hạn chế vận động do đau tăng khi các khớp chuyển động.
Tuy nhiên khi để các khớp nghỉ quá lâu khiến tình trạng đau nhức và cứng khớp nặng nề hơn. Tình trạng teo cơ xung quanh các khớp có thể xảy ra do giảm hoạt động.
Vì vậy người bệnh được khuyến khích tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh. Các bài tập này giúp tăng độ linh động cho khớp, giảm đau, giảm cứng khớp mà không gây tổn thương thêm cho khớp.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Kể cả trong đợt cấp của bệnh phong thấp, người bệnh vẫn nên duy trì tập luyện với tốc độ chậm hơn.
Khi tình trạng bệnh tốt hơn, hãy tăng cường thêm bài tập luyện để phát triển vùng cơ xung quanh các khớp. Cơ xung quanh khớp chắc khỏe giúp chịu bớt lực tải, thay vì dồn hết lực vào khớp.
Bên cạnh đó, thể dục giúp người bệnh phong thấp cải thiện được giấc ngủ, cảm thấy dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.Tập thể dục là một trong những cách trị phong thấp tại nhà hiệu quả nhất.
Sử dụng biện pháp nhiệt nóng hoặc lạnh
Hãy sử dụng nhiệt độ ấm bằng cách tấm nước ấm, túi chườm nóng vào các vị trí khớp đau có thể làm giảm đau và cứng khớp.
Đối với các triệu chứng của đợt cấp, khớp sưng đau nhiều, hãy chườm lạnh. Nhiệt độ lạnh làm tê các cơn đau và hỗ trợ giảm viêm.
Phương pháp này khá dễ dàng, người bệnh phong thấp có thể tự làm tại nhà mà không cần có sự hỗ trợ.
Cam kết lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh cũng là một cách trị phong thấp tại nhà. Một lối sống lành mạnh có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng của bệnh phong thấp.
Lối sống lành mạnh bao gồm:
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Chế độ ăn uống cân bằng: ăn nhiều trái cây, ngũ cốc và rau xanh. Nên hạn chế thức ăn có nhiều đường, muối, tinh bột và các chất béo bão hoà.
- Bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thông qua rau củ quả, trái cây,…
- Giảm căng thẳng, lo âu.
- Tránh hút thuốc và khói thuốc lá
- Không sử dụng các thức uống có cồn. Rượu có nguy cơ làm giảm hiệu quả của các thuốc phong thấp đang điều trị.
Tự chăm sóc bản thân
Tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong quá trình điều trị phong thấp. Người bệnh cần uống thuốc đúng và thực hiện các chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó tự theo dõi sức khoẻ của mình để nhận ra sớm các tác dụng phụ hoặc những thay đổi nặng hơn của bệnh. Hãy kể với bác sĩ điều trị của mình về tình trạng này để có những thay đổi điều trị phù hợp hơn.
Người bệnh nên cố gắng thư giãn để giảm lo âu, căng thẳng. Có thể tập thêm các bài tập thiền hay yoga để tinh thần tốt hơn.
Giữ cân nặng hợp lý
Béo phì, thừa cân là những yếu tố nguy cơ của bệnh phong thấp. Giảm cân nặng giúp giảm các biến chứng và khả năng bệnh thuyên giảm nhanh hơn.
Thừa cân quá nhiều có nguy cơ làm các thuốc điều trị bệnh phong thấp kém hiệu quả.
Ngoài ra cân nặng tăng chắc chắn gây tăng áp lực lên các khớp của bạn. Những khớp này vốn đã bị tổn thương do bệnh phong thấp, lúc này phải chịu thêm áp lực của cân nặng. Điều này làm tình trạng tổn thương khớp nặng hơn và tăng triệu chứng đau của người bệnh.
Những khớp chịu trực tiếp trọng lực của cơ thể:
- Cột sống, nhất là phần thắt lưng.
- Hông
- Khớp gối
- Khớp cổ chân
Những sai lầm cần tránh khi điều trị phong thấp
Không tái khám định kỳ
Khi cảm thấy tình trạng tốt hơn, người bệnh có xu hướng không tái khám nữa. Đây là suy nghĩ sai bởi bạn cần được tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh bởi bác sĩ.
Trong những lần tái khám tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng khớp của bạn và hiệu quả của điều trị. Từ đó có phương hướng thay đổi thuốc cho phù hợp hơn khi có tác dụng phụ của thuốc hoặc biến chứng phong thấp.
Ra ngoài quá nhiều
Trong các đợt cấp của bệnh phong thấp, người bệnh sưng đau nhiều các khớp và khá mệt mỏi. Lúc này tình trạng viêm và tổn thương khớp đang diễn tiến. Việc đi lại hoạt động nhiều sẽ lớp các khớp của bạn tổn thương nhiều hơn.
Do đó thay vì ra ngoài thường xuyên, người bệnh phong thấp nên ưu tiên nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn để nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ. Hãy kết hợp với các bài tập luyện nhẹ nhàng tại nhà để giảm cứng khớp khi chuyển động.
Không sử dụng hết các loại thuốc trong toa
Toa thuốc điều trị phong thấp thường có khá nhiều loại thuốc. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm người bệnh tự ý bỏ thuốc do họ phải uống quá nhiều loại.
Tuy nhiên đây là việc làm không nên. Bạn cần hiểu thuốc phong thấp chia làm hai nhóm thuốc. Một nhóm thuốc làm giảm cứng khớp và các cơn đau. Nhóm còn lại giúp ngăn chặn tổn thương tiến triển.
Do vậy nếu có bất kỳ sự khó chịu nào khi dùng thuốc, hãy tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ thay vì tự ý bỏ bớt thuốc.
Tự ý bỏ bớt thuốc uống khi cảm thấy giảm triệu chứng
Thời gian điều trị lâu dài của bệnh phong thấp có thể làm người bệnh chán nản. Một số người bệnh có xu hướng tự ý ngưng thuốc hoặc giảm thuốc khi cảm thấy khỏe hơn.
Điều này có khả năng gây bùng phát bệnh trở lại rất nhanh. Khi triệu chứng giảm không có nghĩa rằng bạn đã khỏi bệnh.
Thuốc điều trị phong thấp nhằm giảm tình trạng tổn thương khớp tiến triển. Thuốc cần được duy trì ở nồng độ nhất định trong máu để có hiệu quả.
Nếu bạn bỏ thuốc quá lâu, nồng độ thuốc trong máu giảm và nguy cơ bùng phát các đợt cấp của bệnh phong thấp.
Hãy kết hợp điều trị thuốc và những cách trị phong thấp tại nhà để đem lại nhiều hiệu quả hơn trong điều trị bệnh phong thấp. Người nên bệnh lưu ý những sai lầm hay mắc phải trong điều trị bệnh phong thấp để không lặp lại tình huống tương tự.