Bong gân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bong gân là một thương tổn thường gặp trong các chấn thương hằng ngày. Bạn có thể bị bong gân do chơi thể thao, bị trượt té khi đi cầu thang hoặc do tai nạn giao thông. Tuy nhiên vấn đề thường gặp là tổn thương bong gân thường bị bỏ sót trong chẩn đoán và cách sơ cứu đôi khi bị sai lầm, dẫn đến ảnh hưởng điều trị sau này. Bài viết này, hãy cùng Bác sĩ Lê Đức Đôn hiểu rõ về bong gân nhé!

Bong gân là gì?

Định nghĩa

Tổn thương bong gân là sự giãn hoặc rách các dây chằng, chính là các mô liên kết dạng sợi kết nối các xương – một cấu trúc nối giữa cơ và gân (không phải tổn thương gân).

Bong gân (Tổn thương dây chằng)

Bong gân (Tổn thương dây chằng)

Bong gân khác gì căng cơ?

Cần phân biệt rõ thuật ngữ bong gân (sprain) và căng cơ (strain) vì từ ngữ Việt hóa có thể làm hiểu nhầm chẩn đoán.

Bong gân là sự đụng dập cơ xảy ra khi cơ bị va bởi một lực ép nặng và bất ngờ, như khi có một cú đánh trực tiếp vào cơ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Thuật ngữ căng cơ dùng để chỉ những tổn thương của cơ hoặc điểm nối giữa cơ và gân. Đối với căng cơ, một lực duỗi quá mức lên cơ khiến cho các sợi cơ trở nên quá giãn và kết quả là đứt gần cầu nối giữa gân-cơ. Căng cơ thường xảy ra ở những cơ nông băng qua cả 2 khớp, như là cơ thẳng đùi, cơ bám gân và cơ bụng chân.1

Căng cơ (tổn thương gân cơ)

Căng cơ (tổn thương gân cơ)

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bong gân

Bong gân (tổn thương dây chằng) thường do một lực giãn quá mức dẫn tới những mức độ khác nhau của sự căng hoặc rách sợi dây chằng.

Các thuật ngữ thường gặp như “lật sơ mi” có thể dùng để chỉ những chấn thương gây lật cổ chân ra ngoài hoặc vào trong, từ đó dẫn tới tổn thương dây chằng ở vị trí tương ứng.

Một số vị trí khác cũng thường xảy ra bong gân như cổ tay (trong trường hợp ngã xa máy chống tay); khuỷu tay (trong trường hợp duỗi khuỷu quá mức như khi chơi bóng chuyền hoặc tennis),…

Cách chẩn đoán tình trạng bong gân

Bệnh sử

Khi khai thác bệnh sử chấn thương, bác sĩ lâm sàng có thể hỏi những vấn đề sau:

  • Thời gian, hoàn cảnh và kiểu chấn thương bệnh nhân trải qua, bao gồm cả lực và hướng tác động. Những lực li tâm thường gây ra tổn thương ở nơi tiếp hợp gân-cơ (ví dụ như khi hạ một vật đang nâng hoặc ném bóng).
  • Phát hiện những triệu chứng như đau, sưng, bầm tím, mất chức năng, sưng và cảm giác lỏng lẻo (mất vững). Đặc biệt, cảm giác mất vững tại khớp là một nghi ngờ đáng kể cho tổn thương bong gân.
  • Nghe tiếng “pop” hoặc “snap” tại thời điểm chấn thương; đây có thể là biểu hiện của đứt dây chằng hoặc gãy xương.
  • Hỏi về những yếu tố nguy cơ hoặc làm nặng thêm chấn thương: như động kinh, sử dụng thuốc kháng đông hoặc bệnh lý hemophilia.
  • Những chấn thương trước đây, quá trình điều trị và kết cục sau cùng.

Cổ chân là vị trí dễ bị bong gân (Lật sơ mi)

Cổ chân là vị trí dễ bị bong gân (Lật sơ mi)

Thăm khám

Những động tác thăm khám tập trung vào các dấu hiệu:

Biến dạng, không đối xứng so với chân hoặc tay đối bên

Một tổn thương căng cơ bị đứt hoàn toàn thường tạo ra một vết đứt rõ ràng trong đường viền bình thường của cơ, với một vết lõm dưới da nơi các mảnh cơ bị xé toạc ra.

Dấu hiệu sưng nóng

Sưng nóng tại vị trí chấn thương, sau đó có thể lan rộng ra xung quanh theo thời gian.

Đau

Ấn đau tại vị trí cơ hoặc dây chằng bị tổn thương.

Sưng nề và vết thâm tím

  • Mức độ sưng nề và bầm tím phụ thuộc một phần vào độ nặng và thời gian kể từ khi chấn thương xảy ra và có thể mất đến 24 giờ để dấu hiệu này bộc lộ ra hoàn toàn.
  • Căng cơ thường gây ra mảng bầm máu lớn. Trong trường hợp tụ máu trong cơ, chảy máu nằm gọn trong bao cơ, gây đau và sưng nề khu trú. Trong trường hợp chảy máu ngoài cơ, máu chảy lan rộng ra khoang gian cơ, cường độ đau ít hơn so với chảy máu trong cơ nhưng mức độ lan rộng lại nhiều hơn.

Dấu hiệu bầm tím trong bong gân

Dấu hiệu bầm tím trong bong gân

Mất chức năng (giới hạn vận động do đau)

  • Tình trạng này bắt đầu tệ đi và nặng hơn từ những ngày đầu sau chấn thương.
  • Khả năng vận động, cả chủ động hoặc thụ động, đều bị ảnh hưởng.
  • Có thể bị mất vững tại khớp bị ảnh hưởng, Sự vận động theo mọi hướng nên được kiểm tra nhằm xác định sự mất vững.
  • Mất hoàn toàn chức năng của cơ chứng tỏ đã có một tổn thương nặng gây đứt hoàn toàn gân hoặc cơ.

Phân biệt với những chẩn đoán đoán khác

Gãy xương hoặc khối u tân sinh

  • Tiếng lạo xạo xương.
  • Biến dạng chi nhưng không do bong gân.
  • Khiếm khuyết thần kinh khu trú, mất cảm giác hoặc vận động.

Tổn thương chi dưới

Trong bong gân cổ chân, sự đứt phức hợp dây chằng bên ngoài có thể được chú ý nếu:

  • Đau khi sờ chạm cạnh trước của mắc cá ngoài.
  • Dấu bầm tím rõ ràng hoặc sự mất vững khi đẩy gót chấn ra trước.

Đối với trường hợp đứt gân Achilles (gân gót) thường gặp, cần thực hiện các thao tác lâm sàng sau:2

  • Sờ thấy khoảng trống tại vị trí gân gót (1/3 dưới phía sau bắp chân).
  • Nghiệm pháp Thompson: đây là nghiệm pháp khám lâm sàng có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất đối với đứt gân gót. Đầu tiên, người khám yêu cầu bệnh nhân nằm sấp với gót chân bệnh nhân nằm ra ngoài bàn khám. Người khám nắn bóp bắp chân của bệnh nhân, tại trí xa vùng dày lên của gân gót. Nếu gân gót còn nguyên vẹn, bàn chân sẽ gập lòng. Với gân gót bị đứt, bàn chân không thể gập lòng như bên đối diện, trong một số trường hợp, do còn gân cơ gan chân dài, bàn chân vẫn gập lòng nhẹ.
  • Nghiệm pháp Matles (tăng gập lưng bàn chân thụ đông). Để thực hiện nghiệm pháp này, người bệnh được yêu cầu nằm sấp với gối gấp 90 độ. Nếu gân gót bị đứt, bàn chân bên tổn thương có vẻ sẽ có vị trí gập lưng nhiều hơn bên không bị thương.

Tổn thương chi trên

Trong trường hợp đứt gân nhị đầu (thường gặp):3

  • Tình trạng nguyên vẹn được đánh giá thông quá nghiệm bóp nắn cơ nhị đầu (chuột tay) của bệnh nhân, tương tự nghiệm pháp Thompson đã trình bày ở trên.
  • Nghiệm pháp Hook thường được thực hiện nếu nghi ngờ bong hoàn toàn gân nhị đầu. Bệnh nhân được yêu cầu chủ động khép vai, ngửa cẳng tay và gấp khuỷu 90 độ. Người khám sau đó cố gắng móc ngón trỏ vào phía dưới và bên ngoài gân nhị đầu (tại vùng khuỷu). Điều này có thể thực hiện được nếu gân nhị đầu còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nếu bị bong đầu xa gân nhị đầu, người khám không thể cảm giá được một cấu trúc dạng dây cứng và do đó không thể móc ngón trỏ vào được.

X-Quang

X-quang được sử dụng nếu có một gãy xương cần điều trị đặc hiệu hoặc cần loại trừ gãy xương.

X-quang cổ chân thường được chỉ định trong các chấn thương:

  • Ấn đau cạnh sau hoặc đỉnh mắt cá ngoài hoặc mắt cá trong, có thể lên phía trên 6 cm.
  • Ấn đau vị trí xương ghe hoặc nền xương bàn V.
  • Mất khả năng chống chân ngay sau chấn thương.

X-quang khớp gối được chỉ định trong các trường hợp:

  • Tuổi > 55.
  • Ấn đau bánh chè cùng bên.
  • Ấn đau đầu trên xương mác.
  • Mất khả năng gấp gối đến 90 độ.
  • Mất khả năng chống chân, ngay sau khi chấn thương hoặc lúc này trong cấp cứu.

Cộng hưởng từ (MRI)

MRI có thể có ích giúp khẳng định lại chẩn đoán, xác định những tổn thương đi kèm, đặc biệt giúp phân biệt rách bán phần và toàn phần, mức độ lan rộng của thương tổn.4 Tuy nhiên, đây không phải là phương tiện đầu tiên được sử dụng thường quy trong tất cả các trường hợp chấn thương cổ chân cấp tính.

MRI được xem xét sử dụng nếu:

  • Tình trạng đau vẫn còn tiếp diễn.
  • Đau không giảm tương xứng với điều trị.
  • Triệu chứng không cải thiện theo thời gian.
  • Chức năng (Cổ chân, khuỷu, bàn tay,…) xấu đi dù đã điều trị.
  • Bất kì cấu trúc liên quan đi kèm nào nghi ngờ tổn thương.

Siêu âm hoặc MRI thường cần thiết để xác định tổn thương đứt gân. MRI thường có ưu thế hơn và cho thấy sự nguyên vẹn của cơ cùng với gân bị co rút.

Hình ảnh MRI đứt gân gót

Hình ảnh MRI đứt gân gót

MRI được xem như là tiêu chuẩn vàng để xác định đứt dây chằng cấp tính vùng cổ chân. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau và sưng nền giảm sau điều trị, cũng như không mất vững cổ chân và bệnh nhân có thể đi lại được thì hầu như không cần đến hình ảnh học này.

Siêu âm

Siêu âm được dùng nhằm xác định sự căng cơ, tuy nhiên không hữu ích trong tổn thương dây chằng. Mặt khác, siêu âm phụ thuộc nhiều vào người thực hiện và yêu cầu kĩ năng có kinh nghiệm.

Nội soi chẩn đoán

Nội soi hữu ích trong việc đánh giá khi những tổn thương đi kèm cần được xác định cùng lúc. Ví dụ: nằm loại trừ tổn thương sụn xương trong bong gân cổ chân.

Phân loại mức độ bong gân

Bong gân được chia thành 3 cấp độ, thể hiện qua bảng sau:5

  Độ 1  Độ 2 Độ 3
Đứt dây chằng Không Một phần Hoàn toàn
Mức chức năng Tối thiểu Một vài chức năng Nhiều chức năng
Đau Ít Trung bình Nặng nề
Sưng nề Ít Trung bình Rất nhiều
Bầm máu Thường xảy ra Không thường xuyên
Chống chân khó khăn Không Khá thường xuyên Hầu như luôn luôn

Điều trị bong gân

Mục tiêu chính của điều trị

Giảm đau, duy trì tầm vận động, duy trì sức cơ, trở lại với những hoạt động trước đây, và ngăn ngừa những chấn thương tương tự.

Những bước điều trị bong gân tổng quát bao gồm:

  • Xử trí ban đầu với “RICE” (Rest: nghỉ ngơi; ICE: chườm đá; Compression: băng ép; Elevation: kê cao chân).
  • Điều trị với thuốc giảm đau: Có thể sử dụng thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDs) nếu cần ngay lập tức trở lại công việc hoặc cần thi đấu thể thao đối kháng.
  • Vận động sớm, thường sau 2 đến 3 ngày nghỉ ngơi.
  • Mức độ phục hồi chức năng vận động hằng ngày phục thuộc vào vị trí và mức độ chấn thương, cũng như nhu cầu vận động. Ví dụ: bong gân cổ chân nặng, trở lại công việc có thể cần vài tuần; tham gia các hoạt động thể thao tích cực có thể cần vài tháng.
  • Bệnh nhân bong gân cổ chân nặng nên được theo dõi khi vết sưng bầm đã giảm đi đáng kể (sau 7 – 10 ngày) để đánh giá đứt hoàn toàn và xác định có thể thiết sử dụng thêm hình ảnh học hoặc điều trị đi kèm. Vì trong trường hợp cấp tính, bệnh nhân khá đau, gây gián đoán và có thể nhầm lẫn cho quá trình chẩn đoán.
  • Những kĩ thuật mổ mở, mở nhỏ hoặc qua da là những lựa chọn cho đứt gân gót cấp tính. Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ về tính ưu việt hơn giữa mảnh ghép tự thân và nhân tạo.

Tiếp cận ban đầu với tình trạng bong gân

Những bệnh nhân đến trong vòng 24 – 48 giờ sau chấn thương với tình trạng lâm sàng nghi ngờ đứt không hoàn toàn (độ 1 hoặc độ 2) nên được xử trí với các bước “RICE”, tiếp theo sau là vận động nhẹ nhàng. Thuốc giảm đau có thể sử dụng bao gồm Paracetamol hoặc NSAIDs. Vật lí trị liệu có thể bắt đầu sau 48 giờ.

Xem thêm: Các bước xử trí “RICE” (Rest, Ice, Compression, Elevation)

Bệnh nhân nên được đánh giá lại sau một tuần. Nếu tình trạng đau tệ hơn và chức năng không cải thiện sau 1 tuần, tình trạng tổn thương dây chằng có thể đã ở mức độ 3. Với mức độ này, nên chỉ định các xét nghiệm có giá trị hơn như siêu âm hoặc MRI. Phẫu thuật khâu nối cùng với phục hồi chức năng bằng vật lí trị liệu là phương pháp điều trị phù hợp cho giai đoạn này.

Đối với các trường hợp tới trong vòng 24 đến 48 giờ đầu tiên được xác nhận đứt hoàn toàn gân hoặc cơ, nên phẫu thuật khâu nối cùng với tập vật lí trị liệu ngay những ngày đầu sau phẫu thuât. Những yếu tố gợi ý tổn thương độ 3 bao gồm bầm tím nhiều, không tương hợp giữa mức độ đau và tai nạn của bệnh nhân, giới hạn chức năng nghiêm trọng, ví dụ như không thể đi lại được; ấn đau tại chỗ nghiêm trọng nhưng X-quang không phát hiện gãy xương; sưng về và đau dữ dội. 90% bệnh nhân bị bong gân mức độ 3 đều có biểu hiện như trên.

Sử dụng thuốc Paracetamol và/hoặc NSAIDs

Paracetamol được dùng thường quy với hiệu quả giảm đau và là lựa chọn hàng đầu ở những chấn thương nhẹ.

NSAIDs cũng tạo ra tác dụng giảm đau, nhưng nguy cơ tác dụng phụ lên đường tiêu hóa lớn hơn khi so với paracetamol. Những thuốc NSAIDs cục bộ có mức lợi ích cao hơn so với nguy cơ đi kèm.

Tổng quan Cochrane đánh giá điều trị chấn thương mô mềm cấp tính ở bệnh nhân người trưởng thành 6

Khi kê toa một loại NSAIDs cho chấn thương mô mềm, cần chú ý:

  • NSAIDs có thể làm giảm thời gian lành dây chằng và gân cơ.
  • Có thể cân nhắc sử dụng ở những bệnh nhân cần trở lại vận động sớm hoặc tham gia những môn thể thao đối kháng.
  • Ibuprofen là thuốc NSAIDs được lựa chọn hằng đầu; nó có tác dụng phụ ít nhất.
  • Thuốc bảo vệ dạ dày (ức chế bơm proton hay misoprotol) nên được dùng ở bệnh nhân có nguy cơ tác dụng phụ cao lên đường tiêu hóa như: đau dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa trên với tiền sử bị loét dạ dày.
  • Có thể phối hợp giữa paracetamol và NSAIDs nếu cần thiết, tuy nhiên phối hợp giữa 2 NSAIDs bị chống chỉ định.

Vận động sớm

Vận động sớm khi đã giảm đau giúp ngăn ngừa cứng khớp và duy trì tầm vận động. Trong trường hợp bong gân cổ chân, sử dụng dụng cụ hỗ trợ giúp vận động sớm khá có ích.

Phẫu thuật

Đối với trường hợp đứt hoàn toàn, hoặc bệnh nhân đứt bán phần nhưng bị mất chức năng dai dẳng, có thể thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, nghiên cứu so sánh giữa phẫu thuật và điều trị bảo tồn cho thấy không có sự khác biệt về kết quả chức năng. Do đó, có thể hạn chế phẫu thuật nếu không cần thiết.7 8 9 Trong một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên về điều trị bảo tồn đối với đứt gân gót, bó bột cho thấy không có ưu thế so với chống bong gân sớm với nẹp chức năng.10

Với những bệnh nhân có nhu cầu thể thao cao, hoặc trong trường hợp không thể đáp ứng với các bài tập vật lí trị liệu, phẫu thuật tái tạo dây chằng có thể được đưa ra thảo luận với bệnh nhân.

Phẫu thuật thường được thực hiện trong tuần đầu tiên, tuy nhiên không được khuyến cáo trong 24 giờ đầu sau chấn thương, vì sự sưng nề và quá trình viêm sẽ ảnh hưởng đến sự lành gân và dây chằng.

Trên đây là bài viết của Bác sĩ Lê Đức Đôn về tình trạng bong gân. Hi vọng với những kiến thức chia sẻ ở bài viết, bạn đọc có thể biết thêm những thông tin thật hữu ích về tình trạng bong gân và được hướng dẫn xử trí kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *