Gai cột sống cổ với biểu hiện những cơn đau nhức khó chịu, làm giới hạn khả năng vận động của vùng cổ. Vậy gai cột sống cổ là gì và nguyên nhân gây bệnh này. Hãy cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm hiểu về bệnh gai cột sống cổ để có biện pháp xử lý kịp thời khi có triệu chứng.
Gai xương là gì? Gai cột sống cổ là gì?
Gai xương (osteophytes), khác với tên gọi của nó, là một mấu xương nhẵn, mọc lên từ xương. Chúng thường hình thành gần khớp – nơi hai hoặc nhiều xương gặp nhau. Đây là một bệnh lý khá phổ biến, được xếp vào nhóm bệnh lý mạn tính. Bệnh có diễn tiến chậm, mức độ đau và tổn thương tăng dần theo thời gian.
Nguyên nhân chính tạo nên gai xương là do các khớp xương bị tổn thương liên quan đến tình trạng viêm xương khớp (OA). Hầu hết các gai xương không gây ra triệu chứng và có thể không bị phát hiện trong nhiều năm. Nhưng nếu chúng cọ xát với các xương khác hoặc đè lên dây thần kinh, bạn có thể bị đau và cứng khớp.
Gai xương có thể không cần điều trị. Nếu cần điều trị, sẽ phụ thuộc vào vị trí của các gai xương và mức độ ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của bạn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Gai xương có thể hình thành từ bất kỳ xương nào, nhưng chúng thường được tìm thấy nhất ở:1
- Cổ.
- Vai.
- Đầu gối.
- Phần lưng dưới.
- Ngón tay hoặc ngón chân cái.
- Bàn chân hoặc gót chân.
Ở bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về gai cột sống cổ.
Gai cột sống cổ phổ biến nhất ở những người từ 60 tuổi trở lên, nhưng những người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh này. Những người bị viêm xương khớp (OA) có nhiều khả năng bị gai xương hơn.2 3 Gai cột sống cổ có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào, vị trí thường gặp nhất là cột sống cổ đoạn C5-C6-C7 của cột sống.
Nguyên nhân gai cột sống cổ
Cột sống được tạo bởi nhiều cột sống nhỏ, giữa các cột sống được bao bọc bởi một lớn sụn trơn để khi cử động các cột sống này giúp cho khớp cho vận động một cách dễ dàng.
Lớp sụn khớp này theo thời gian bị bào mòn dẫn đến các đốt xương ma sát với nhau mà không có lớp bảo vệ gây đau và mất xương, kèm theo tăng thêm áp lực cột sống. Khi cơ thể bạn nghĩ rằng xương của bạn bị tổn thương, nó sẽ cố gắng sửa chữa bằng cách thêm xương vào vùng bị thương, dẫn đến hình thành gai xương như một cơ chế bù trừ tự nhiên của cơ thể, giúp phân bố lại vị trí chịu lực trên bề mặt xương cũng như giúp chuyển động khớp dễ dàng hơn.
Nguyên nhân phổ biến nhất của hình thành gai xương nói chung là tổn thương khớp do viêm xương khớp hoặc bệnh thoái hóa khớp. Viêm khớp dạng thấp, lupus và bệnh gút cũng là những nguyên nhân có thể làm hỏng khớp của bạn. Các gai xương cũng thường hình thành sau một chấn thương ở khớp hoặc gân.
Các nguyên nhân khác của gai xương nói chung bao gồm:2 3
- Vận động quá mức – ví dụ: vận động, ngồi sai tư thế trong một thời gian dài.
- Do di truyền.
- Chế độ ăn.
- Béo phì.
- Các vấn đề xương bẩm sinh.
- Thu hẹp cột sống (hẹp ống sống).4
Triệu chứng của gai cột sống cổ
Bạn có thể không nhận ra mình bị gai cột sống cổ cho đến khi chụp X-quang. Chúng chỉ gây ra vấn đề khi chúng đè lên dây thần kinh, gân hoặc các cấu trúc khác trong cơ thể bạn. Sau đó, bạn có thể cảm thấy bất kỳ điều nào sau đây:1 5
- Đau ở khớp bị ảnh hưởng.
- Đau hoặc cứng khi bạn cố gắng duỗi hoặc di chuyển khớp bị ảnh hưởng.
- Yếu, tê hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân nếu xương thúc ép lên các dây thần kinh ở cột sống của bạn.
- Co thắt cơ, chuột rút hoặc suy nhược.
- Khó kiểm soát tiểu tiện, đại tiện nếu xương thúc ép lên các dây thần kinh nhất định trong cột sống của bạn (một triệu chứng hiếm khi gặp).
- Các triệu chứng của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn tập thể dục hoặc cố gắng di chuyển khớp bị ảnh hưởng.
- Cành xương có thể bị gãy và mắc kẹt trong lớp niêm mạc của khớp. Đây được gọi là mảnh sạn khớp (loose body). Nó có thể khóa khớp và gây ra tình trạng khó cử động.
Chẩn đoán bệnh gai cột sống cổ
Khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ ở trên, bạn sẽ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội cơ xương khớp hoặc bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và cho các cận lâm sàng thích hợp:1 5
- Xét nghiệm máu: để xác định bạn có bị viêm khớp dạng thấp, gout, lupus…hay các tình trạng rối loạn khác.
- Chụp X-quang: để giúp bác sĩ đánh giá rõ hơn phần gai xương của bạn.
- CT-Scan (Chụp cắt lớp vi tính): được chỉ định khi bác sĩ cần đánh giá rõ hơn về tình trạng xương khớp của bạn.
- MRI (Chụp cộng hưởng từ): đánh giá rõ hơn về tình trạng sụn khớp, mô mềm, xác định chính xác vị trí rễ thần kinh bị chèn ép, khối thoát vị đĩa đệm.
- Kiểm tra độ dẫn điện: các bài kiểm tra này đo tốc độ thần kinh của bạn gửi tín hiệu điện. Chúng có thể cho thấy những tổn thương mà các gai xương đã gây ra cho các dây thần kinh trong ống sống của bạn.
Gai cột sống cổ và cách chữa trị
1. Điều trị nội khoa bằng thuốc
Điều trị nội khoa gai cột sống cổ với các nhóm thuốc: thuốc giảm đau paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giãn cơ.1
Mục đích của thuốc làm dịu cơn đau, mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh. Giảm đau giúp người bệnh dễ dàng thực hiện các công việc hằng ngày. Bên cạnh đó thuốc giảm đau giúp người bệnh phối hợp với các bài tập phục hồi chức này dễ dàng, mang lại hiệu quả nhanh hơn.
Thuốc giảm đau paracetamol được ưu tiên chọn lựa hàng đầu do ít tác dụng phụ, hiệu quả tốt. Bác sĩ có thể kê toa đơn chất paracetamol hoặc viên thuốc phối hợp paracetamol với một hoạt chất giảm đau khác như codein,… Viên thuốc phối hợp giúp giảm đau hiệu quả hơn. Lựa chọn loại thuốc tuỳ vào tình trạng đau của người bệnh.
Khi tình trạng đau tăng lên và không đáp ứng với thuốc giảm đau paracetamol. Có thể thay thế bằng một số loại khác như tramadol, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid.
Tuy nhiên những thuốc này có thể có một vài tác dụng phụ nếu sử dụng liều cao trong thời gian dài. Do đó các thuốc này được nên được uống theo toa của bác sĩ. Nếu tự ý dùng thuốc dễ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Bên cạnh đó, điều trị nguyên nhân gây bệnh là một yếu tố quan trọng, điều này giúp cho tình trạng bệnh không tiến triển nặng thêm cũng như không gây thêm gai cột sống ở các vị trí khác. Bạn cần liên hệ bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể và điều trị.
2. Điều trị phục hồi chức năng vận động
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: gai cột sống cổ chèn ép vào dây thần kinh và các mô cơ xung quanh gây tổn thương. Vì vậy nghỉ ngơi nhiều giúp tránh tổn thương tăng thêm, phục hồi cũng tốt hơn.
- Giữ ấm để tránh co rút cơ, cứng cơ.
- Hạn chế thay đổi tư thế cột sống cổ một cách đột ngột. Thay đổi tư thế đột ngột vừa làm tăng tổn thương, vừa gây ra cảm giác đột ngột đau nhói.
- Nên thực hiện các bài tập vận động vùng cổ.
- Kết hợp các liệu pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
3. Điều trị phẫu thuật
Chỉ định điều trị phẫu thuật cho các trường hợp sau:6
- Gai cột sống cổ có biểu hiện chèn ép thần kinh hoặc tủy sống với tiến triển nặng.
- Tình trạng trượt nhiều đốt sống.
- Thất bại với điều trị nội khoa bằng thuốc và phục hồi chức năng.
Gai cột sống cổ gây rất nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Làm hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó cần chủ động phát hiện kịp thời ngay khi vừa có triệu chứng để bệnh không diễn tiến nặng hơn. Mong rằng những thông tin đã được Bác sĩ Hồ Đức Việt chia sẻ sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về bệnh lý này!