Gai cột sống lưng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Vậy gai cột sống lưng có những triệu chứng nào cần lưu ý. Gai cột sống lưng khi nào cần khám bác sĩ? Hãy cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm hiểu câu trả lời cho các triệu chứng gai cột sống lưng qua bài viết dưới đây.
Gai cột sống lưng là gì?
Gai cột sống thắt lưng (Lumbar Osteophytes), là phần gai xương hình thành ở các đốt sống thắt lưng, là một trong những nguyên nhân gây đau lưng ở người lớn tuổi, và cũng có thể xuất hiện ở người trẻ.
Gai xương nói chung, hay gai cột sống thắt lưng nói riêng, là bệnh lý khá phổ biến, được xếp vào nhóm bệnh lý mạn tính. Bệnh có diễn tiến chậm, mức độ đau và tổn thương tăng dần theo thời gian.
Nguyên nhân chính tạo nên gai xương là do các khớp xương bị tổn thương liên quan đến tình trạng viêm xương khớp (OA). Hầu hết các gai xương không gây ra triệu chứng và có thể không bị phát hiện trong nhiều năm. Nhưng nếu chúng cọ xát với các xương khác hoặc đè lên dây thần kinh, bạn có thể bị đau và cứng khớp.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Gai xương có thể không cần điều trị. Nếu cần điều trị, sẽ phụ thuộc vào vị trí của các gai xương và mức độ ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của bạn.
Các triệu chứng gai cột sống lưng thường gặp
Nếu có các triệu chứng dưới đây, có khả năng bạn đã mắc gai cột sống thắt lưng. Càng có nhiều triệu chứng gai cột sống thắt lưng phù hợp, khả năng mắc càng cao.
Các triệu chứng gai cột sống thắt lưng:1
- Dấu hiệu cứng khớp, khó cử động. Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng, cứng khớp dưới một giờ.
- Đau âm ỉ ở cột sống hay vùng giữa của lưng. Tính chất đau tăng theo tần suất vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
- Ở giai đoạn nặng của gai cột sống, triệu chứng đau liên tục. Thậm chí đau làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Tình trạng khó ngủ, không ngủ sâu, dễ giật mình giữa giấc ngủ vì đau.
- Bệnh nhân có thể thấy tiếng lạo xạo hay lục đục ở cột sống khi cử động xoay trở, cúi gập người.
- Một số trường hợp gai cột sống thắt lưng có chèn ép dây thần kinh do hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm. Những trường hợp này bệnh nhân cảm giác tê hoặc yếu lan xuống một hoặc hai chân.
- Đặc điểm triệu chứng gai cột sống là bệnh nhân đau nhưng không có biểu hiện sốt, gầy sụt cân hay dấu thiếu máu (da niêm nhợt nhạt). Dấu hiệu này giúp phân biệt với các bệnh lý khác ở cột sống.
Gai cột sống lưng khi nào cần khám bác sĩ?
Khi có bất kỳ triệu chứng gai cột sống lưng nào đã nêu trên bạn nên đến khám bác sĩ. Các triệu gai cột sống lưng ban đầu có thể nhẹ nhàng, chỉ đau thoáng qua.
Tuy nhiên bạn cần khám sớm để kịp thời phát hiện và thay đổi những thói quen hiện tại chưa tốt có ảnh hưởng đến cột sống. Phát hiện sớm giúp bạn tránh diễn tiến bệnh nặng hơn. Nhờ đó giảm nguy cơ xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến thần kinh.
Những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về khắc phục sai tư thế trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Tăng khoảng nghỉ và thư giãn, các bài tập thể dục có thể giúp ích bạn trong ngăn chặn gai cột sống lưng nặng hơn.
Các xét nghiệm cần làm khi có triệu chứng gai cột sống lưng
Khi có các triệu chứng nghi ngờ ở trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội cơ xương khớp hoặc bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và cho các cận lâm sàng thích hợp:2
- Xét nghiệm máu: để xác định người bệnh có bị viêm khớp dạng thấp, gout,… hay các tình trạng rối loạn khác.
- Chụp X-quang: để giúp bác sĩ đánh giá rõ hơn phần gai xương của bạn.
- CT-Scan (Chụp cắt lớp vi tính): được chỉ định khi bác sĩ cần đánh giá rõ hơn về tình trạng xương khớp của bạn.
- MRI (Chụp cộng hưởng từ): đánh giá rõ hơn về tình trạng sụn khớp, mô mềm, xác định chính xác vị trí rễ thần kinh bị chèn ép, khối thoát vị đĩa đệm.
- Kiểm tra độ dẫn điện: các bài kiểm tra này đo tốc độ thần kinh của bạn gửi tín hiệu điện. Chúng có thể cho thấy những tổn thương mà các gai xương đã gây ra cho các dây thần kinh trong ống sống của bạn.
Gai cột sống ít xảy ra đơn thuần. Thông thường gai cột sống là hậu quả của thoái hoá cột sống kết hợp với các bệnh lý khác như thoái hoá đĩa đệm cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương và lún xẹp đốt sống do loãng xương.
Do đó ngoài việc chẩn đoán chính xác bệnh gai cột sống, bác sĩ tìm thêm một số tổn thương cột sống liên quan nhằm cùng lúc kết hợp điều trị hiệu quả hơn.
Những nguyên nhân gây đau lưng khác không phải gai cột sống cũng có thể được phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm này.
Điều trị gai cột sống lưng
Các phương pháp điều trị gai cột sống lưng cụ thể bao gồm:1 3 4 5
1. Điều trị phục hồi chức năng
Điều trị triệu chứng gai cột sống lưng trong phục hồi chức năng bằng các bài tập thể dục, tập vật lý trị liệu, xoa bóp, chườm nóng,…
2. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa áp dụng 3 nhóm thuốc:
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau sử dụng theo bậc thang tăng dần. Nếu giảm đau liều thấp không hiệu quả; tăng dần liều thuốc, hoặc kết hợp thuốc, hoặc thay đổi loại thuốc giảm đau bậc cao hơn. Giảm đau ban đầu là Paracetamol. Nâng bậc giảm đau với paracetamol kết hợp codein hoặc tramadol.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): có hai dạng thường dùng là thuốc uống và thuốc bôi ngoài da. Nhóm thuốc này có nguy cơ tác dụng phụ viêm loét dạ dày nếu sử dụng liều cao hoặc dùng kéo dài. Thuốc nên thận trọng sử dụng ở người có bệnh tim mạch và người cao tuổi. Vì vậy nên dùng thuốc theo toa của bác sĩ, không nên tự ý tăng liều thuốc hoặc sử dụng thêm thuốc khi chưa tái khám. Một số thuốc thuộc nhóm này: diclofenac, celecoxib, meloxicam, piroxicam…
- Thuốc giãn cơ: giảm cứng cơ xung quanh vùng tổn thương, cử động linh hoạt hơn. Một số thuốc thuộc nhóm này: eperisone, tolperisone…
3. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi có các dấu hiệu chèn ép thần kinh nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi mà các can thiệp nội khoa chưa có hiệu quả. Một số trường hợp gai cột sống khác có chỉ định phẫu thuật:
- Thoát vị đĩa đệm.
- Trượt đốt sống hoặc hẹp ống sống gây đau thần kinh.
Biến chứng của gai cột sống lưng
Thoái hóa cột sống lưng sẽ tiến triển nặng theo độ tuổi. Ngoài ra sẽ còn ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như mang vác nặng ở tư thế cột sống xấu, vận động sai tư thế,
Dấu hiệu chèn ép rễ dây thần kinh thường gặp ở thoái hóa cột sống nặng khi những gai xương thân đốt sống phát triển chèn ép vào lỗ liên hợp đốt sống. Cùng với sự thoái hóa đốt sống, đĩa đệm cũng bị thoái hóa và nguy cơ phình, thoát vị đĩa đệm sẽ dẫn tới chèn ép rễ dây thần kinh (biểu hiện đau dây thần kinh tọa).
Cách phòng bệnh gai cột sống lưng
- Theo dõi và phát hiện sớm các dị tật cột sống để điều trị kịp thời.
- Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống, sửa chữa các tư thế xấu.
- Định hướng nghề nghiệp thích hợp với tình trạng bệnh, kiểm tra định kỳ những người lao động nặng.
Phát hiện sớm các triệu chứng gai cột sống lưng và điều trị kịp thời giúp người bệnh tránh được các biến chứng tổn thương thần kinh nặng và nhanh chóng trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Mong rằng những thông tin Bác sĩ Hồ Đức Việt đã chia sẻ sẽ giúp ích được cho bạn.