Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình bị bệnh gout, thì việc hiểu được nguyên tắc ăn uống cho người bị gout là hết sức cần thiết. Người bị bệnh gout nên ăn gì, hạn chế ăn gì và kiêng ăn gì? Hãy cùng YouMed tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc đó.
Chất nào đóng vai trò quan trọng trong bệnh gout?
Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình bị bệnh gout, bạn cần phải hiểu được thế nào là chế độ ăn ít purin, tăng đào thải acid uric. Vậy 2 chất này đóng vai trò như thế nào trong bệnh gout?
Purin có thể tự sản sinh hoặc được nạp vào cơ thể qua các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Khi vào trong cơ thể, purin được chuyển hóa thành acid uric. Bình thường, thận sẽ lọc và đào thải chúng ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên với người bị gout, purin được nạp vào quá nhiều hoặc acid uric không đào thải kịp thời, dẫn đến sự tích tụ acid uric trong máu. Dần dần, tinh thể acid uric tích tụ trong khớp, gây nên tình trạng viêm và đau khớp dữ dội.
>> Bệnh gout được ví như căn bệnh của nhà giàu và gây nên cảm giác đau nhức dữ dội cho người bệnh. Vậy bệnh gout là gì? Tìm hiểu ngay!
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Bệnh gout, tải ngay ứng dụng YouMed.
Đó là lý do người bị gout cần có một chế độ ăn ít purin (low purine diet) để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Các phần tiếp theo sẽ giúp bạn hiểu rõ người bị bệnh gout nên ăn gì và tránh ăn gì nhé.
Nguyên tắc chung khi ăn uống ở người bị bệnh gout
Người bị bệnh gút cần tuân theo các nguyên tắc ăn uống cơ bản sau:
- Giữ cân nặng phù hợp. Giảm cân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút, giảm số lần tấn công của bệnh gút. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Một cơ thể nặng nề sẽ gây áp lực lớn lên các khớp khiến chúng dễ bị thoái hóa hơn. Vì vậy ăn uống và vận động hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh.
- Hạn chế thực phẩm chứa giàu purin. Mỗi loại thực phẩm có thể có hàm lượng purin thấp, cao, hoặc trung bình. Nguyên tắc chung là nên ăn thực phẩm có hàm lượng purin thấp, ăn một cách tiết chế thực phẩm có hàm lượng purin trung bình và kiêng ăn thực phẩm hàm lượng purin cao.
- Uống nhiều nước mỗi ngày và ăn các thực phẩm hỗ trợ đào thải acid uric. Nguyên tắc ăn uống cơ bản đó là “giảm nạp purin, tăng đào thải acid uric”. Không chỉ giảm nạp purin, một số loại thực phẩm còn có công dụng giúp đẩy nhanh quá trình đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Phần tiếp theo sẽ gợi ý cho các bạn các loại thực phẩm đáp ứng những nguyên tắc này.
Người bị bệnh gout cần kiêng ăn gì?
Như trên đã nói, nguyên tắc chung đó là nên ăn thực phẩm có hàm lượng purin thấp, ăn một cách tiết chế thực phẩm có hàm lượng purin trung bình và kiêng ăn thực phẩm hàm lượng purin cao.
Sau đây là những thực phẩm có hàm lượng purin cao
- Cá mòi, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá cơm, cá trích, cá tuyết… Đây hầu hết là các loại cá biển, có hàm lượng đạm và purin rất cao.
- Sò điệp, tôm hùm;
- Thịt thú rừng, động vật hoang dã như gà lôi, ngỗng, nai;
- Nội tạng động vật. Các loại gan, lòng, tim cật, óc đều không tốt cho người bị bệnh gout. Các loại pate gan, xúc xích cũng là những thực phẩm làm từ nội tạng động vật cần phải tránh;
- Một số loại thực phẩm lên men như nem chua, dưa hành.
Có thể thấy, các loại thực phẩm giàu purin đều là các thực phẩm ngon, “sơn hào hải vị”. Vì thế bệnh gout còn đôi khi được gọi là bệnh của “vua chúa”, bệnh của người giàu. Mặc dù ngày nay, bệnh gout có thể xảy ra ở tất cả mọi người vì các rối loạn chuyển hóa khác chứ không riêng gì người giàu. Dù là vì lí do gì thì người bị gout đều cần phải trở về những bữa ăn đạm bạc để bảo vệ sức khỏe.
Thực phẩm có hàm lượng purin ở mức trung bình
Sau đây là một số thực phẩm có hàm lượng purin ở mức trung bình, nên ăn với một lượng vừa phải:
- Thịt (giới hạn ở khoảng 1-2 lạng/ngày).
- Hải sản như tôm, tép, cua (giới hạn ở khoảng 1-2 lạng/ngày).
- Măng tây, súp lơ, rau bina.
- Nấm.
- Đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan (giới hạn ở mức 1 cốc mỗi ngày).
- Yến mạch và bột yến mạch (giới hạn ⅔ cốc chưa nấu chín mỗi ngày).
Người bị bệnh gout nên ăn gì?
Người bị bệnh gout nên ăn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp; hoặc thực phẩm có công dụng hỗ trợ đào thải acid uric. Vậy cụ thể người bị bệnh gout nên ăn gì?
-
Sữa ít béo
Các loại sữa, sữa chua, phô mai ít béo đều phù hợp với người bị bệnh gout. Skim milk (sữa gầy hay còn gọi là sữa tách béo) với hàm lượng chất béo dưới 1% là những loại sữa mà người bị gout nên chọn lựa.
-
Trái cây, rau củ
Hầu hết các loại trái cây, rau củ đều tốt cho người bị gout; như: dưa hấu, lê, táo, dứa, dưa leo, bưởi… Cherry còn được chứng minh có tác dụng kháng viêm và giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện các cơn gout cấp bùng phát.
-
Vitamin C
Vitamin C giúp acid uric mau chóng được thải trừ ra khỏi cơ thể hơn, từ đó hỗ trợ điều trị gout. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: cam, nho, dứa, dâu, cà chua, bơ.
-
Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc và tinh bột như bánh mì, mì ống, gạo, khoai tây, bắp rang, bột bắp. Đặc biệt ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt.
-
Đạm
Các nguồn cung cấp đạm mà người bị gout nên lựa chọn bao gồm thịt nạc heo, thịt nạc gà, trứng. Tuy nhiên không được ăn quá mức mà vẫn nên ăn ở một lượng vừa phải để duy trì cân nặng hợp lý.
-
Trà, cà phê
Các loại đồ uống có chứa chất caffein có thể giúp giảm acid uric trong máu. Tuy nhiên vẫn chỉ uống với một lượng vừa phải. Loại đồ uống tốt nhất vẫn là nước lọc bạn nhé.
Hiểu được chất nào đóng vai trò gây ra bệnh gout trong cơ thể sẽ giúp bạn chọn lựa cho mình được một chế độ ăn hợp lý nhất. Hi vọng qua bài viết trên, YouMed đã phần giúp bạn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Người bị bệnh gout nên ăn gì và cần kiêng ăn gì”.