Loãng xương là một tình trạng rất phổ biến. Tần suất của loãng xương trong cộng đồng tương đương với bệnh lý tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, hiện nay rất ít người nhận thức được độ nghiêm trọng của tình trạng này. Nó diễn tiến thầm lặng nhưng hậu quả để lại rất nặng nề như tàn phế, mất chức năng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân và nhận diện các triệu chứng của tình trạng này.
1. Loãng xương là gì?
Để có thể hiểu rõ về loãng xương, điều đầu tiên chúng ta cần biết đó chính là cấu trúc của xương. Xương được cấu tạo từ các khoáng chất, chủ yếu là muối canxi, liên kết với nhau bằng các sợi collagen. Xương có lớp vỏ ngoài dày và cứng, có thể dễ dàng nhìn thấy qua chụp phim X-quang. Bên trong có một mạng lưới xốp mềm hơn có cấu trúc giống như tổ ong.
Xương là một mô sống và liên tục tự làm mới mình. Mô xương cũ bị phá vỡ sẽ được thay thế bằng xương mới. Quá trình “tự làm mới” của xương sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi:
- Trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, xương mới được hình thành rất nhanh. Điều này cho phép xương của chúng ta phát triển lớn hơn và khỏe hơn (dày đặc hơn). Mật độ xương đạt đến đỉnh điểm vào giữa đến cuối những năm 20 tuổi.
- Sau này, xương mới được sản xuất với tốc độ tương đương với xương cũ bị phá vỡ. Điều này có nghĩa là bộ xương trưởng thành được đổi mới hoàn toàn trong khoảng thời gian 7 – 10 năm.
- Khoảng 40 tuổi, xương bắt đầu bị phá vỡ nhanh hơn so với tốc độ thay thế xương mới. Do đó, mật độ xương bắt đầu giảm dần.
Tất cả chúng ta đều bị mất xương ở mức độ nào đó khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, thuật ngữ loãng xương chỉ được sử dụng khi xương trở nên khá mỏng manh. Khi xương bị ảnh hưởng bởi bệnh loãng xương, các lỗ hổng trong cấu trúc tổ ong trở nên lớn hơn và mật độ tổng thể thấp hơn. Do đó xương dễ bị gãy hơn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Loãng xương là một căn bệnh diễn tiến thầm lặng. Nhiều người chỉ phát hiện được mình đã bị loãng xương khi bị gãy xương.
Vậy làm cách nào để phát hiện sớm và cần lưu ý những gì về việc ăn uống: Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết: Loãng xương: Những điều cần biết về chẩn đoán và chế độ dinh dưỡng
2. Ai là đối tượng dễ bị loãng xương?
Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương nhưng một số có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người khác:
- Phụ nữ có nguy cơ cao gấp bốn lần so với nam giới. Quá trình mất xương tăng tốc trong vài năm sau khi mãn kinh, khi buồng trứng ngừng sản xuất hormone sinh dục nữ estrogen.
- Người mắc một số bệnh lý cũng gây tăng nguy cơ loãng xương như: cường giáp, đái tháo đường, to đầu chi,..
- Ăn uống thiếu chất, suy dinh dưỡng hay các bệnh gan mãn tĩnh.
- Người thường xuyên sử dụng thuốc corticoid (prednisolon, methylprednisolon,…) trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.
3. Triệu chứng của bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương thường không có triệu chứng rõ rệt. Rất nhiều người chỉ phát hiện bị loãng xương sau khi gãy xương do ngã hoặc tai nạn nhỏ. Gãy xương thường xảy ra ở xương chậu, cột sống hoặc cổ tay.
Một số người bị đau lưng nếu xương cột sống (đốt sống) trở nên yếu và bị sụp đốt sống. Chúng được gọi là gãy xương đốt sống. Tình trạng này xảy ra ở vùng lưng giữa hoặc lưng dưới. Thậm chí nó có thể xảy ra mà không có bất kỳ chấn thương nào. Nếu đốt sống bị ảnh hưởng, cột sống của bạn sẽ bắt đầu cong và bạn có thể bị giảm chiều cao. Đôi khi gãy xương đốt sống có thể gây khó thở vì không gian dưới xương sườn bị hẹp đi. Nếu bạn bị gãy xương đốt sống, bạn cũng có nguy cơ bị gãy xương chậu hoặc cổ tay cao hơn.
4. Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng loãng xương như:
4.1. Ít vận động và tập thể dục
Tập thể dục khuyến khích sự phát triển của xương. Khi ít vận động bạn sẽ có nguy cơ mất canxi từ xương. Từ đó phát triển bệnh loãng xương. Sức khỏe cơ bắp và xương có mối liên quan mật thiết với nhau. Do đó, điều quan trọng là phải giữ sức mạnh cơ bắp của bạn, điều này cũng sẽ làm giảm nguy cơ bị té ngã.
Tuy nhiên, những phụ nữ tập thể dục quá nhiều khiến chu kì kinh của họ dừng lại cũng có nguy cơ cao loãng xương. Bởi vì nồng độ estrogen của họ sẽ bị giảm khi tập luyện quá sức.
4.2. Chế độ ăn uống kém
Nếu chế độ ăn của bạn thiếu canxi hoặc vitamin D sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
>> Tìm hiểu ngay: Lợi ích của việc bổ sung vitamin D3
4.3. Hút thuốc lá nhiều
Thuốc lá gây độc trực tiếp cho xương. Ở phụ nữ, nó làm giảm mức estrogen và có thể gây ra mãn kinh sớm. Ở nam giới, hút thuốc làm giảm hoạt động testosterone và điều này cũng có thể làm suy yếu xương.
4.4. Uống nhiều rượu
Uống nhiều rượu làm giảm khả năng tạo xương của cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ gãy xương do bị ngã.
4.5. Dùng thuốc steroid (đặc biệt là đường uống) trong thời gian dài
Steroid (corticosteroid) được sử dụng để điều trị một số tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp. Chúng ảnh hưởng đến việc sản xuất xương bằng cách giảm lượng canxi hấp thụ từ ruột và tăng mất canxi qua thận. Nếu bạn cần phải sử dụng steroid trong hơn 3 tháng. Bác sĩ có thể sẽ cho thêm canxi và vitamin D để giúp ngăn ngừa loãng xương.
Xem chi tiết về những tác hại của việc lạm dụng thuốc Steroid với bài viết: Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Sử dụng bừa bãi gây tác hại gì?
4.6. Thiếu estrogen trong cơ thể
Nếu bạn bị mãn kinh sớm (trước 45 tuổi) hoặc cắt buồng trứng, nó sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Sự thiếu hụt estrogen trong cơ thể làm tăng tốc quá trình mất xương.
4.7. Di truyền từ gia đình
Bệnh loãng xương có tính chất gia đình, có lẽ vì có những yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Nếu một người thân trực hệ của bạn bị gãy xương do loãng xương thì nguy cơ gãy xương của bạn có thể cao hơn. Hiện vẫn chưa tìm ra khiếm khuyết di truyền cụ thể nào gây ra bệnh loãng xương.
4.8. Các yếu tố khác
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương. Đó là: người dân tộc, nhẹ cân, đã từng gãy xương trước đó, bị bệnh ảnh hưởng đến sự hấp thụ thực phẩm…
Loãng xương là một căn bệnh diễn tiến “âm thầm”. Chính vì tính chất âm thầm của nó mà ít người để ý tới căn bệnh này. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một căn bệnh mang lại nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống. Hy vọng qua bài viết này giúp bạn nhận diện được các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa nó hiệu quả nhé.