Đôi tay giúp cho mọi hoạt động của chúng ta tinh tế hơn, linh hoạt hơn, cảm nhận về thế giới sâu sắc hơn. Chính vì vậy mà bất kỳ tổn thương nào ở bàn tay đều gây ảnh hưởng rất lớn tới cả thể chất, tinh thần và khả năng lao động của mỗi người. Đau khớp ngón tay cái do nhiều nguyên nhân gây ra, và thoái hóa khớp là một nguyên nhân thường gặp trong số ấy. Hãy cùng với Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý này.
Thoái hóa khớp ngón tay cái là gì?
Thoái hóa khớp ngón tay cái không phải là vị trí phổ biến nhất của thoái hóa khớp nên không được quan tâm một cách hợp lý. Thoái hóa khớp ngón tay cái (hay còn gọi là thoái hóa khớp cổ tay – bàn tay thứ nhất và / hoặc khớp thuyền – thang) thường gặp ở những phụ nữ mãn kinh lớn tuổi.
Bình thường, đầu xương có lớp sụn mỏng và trơn nhẵn bao phủ giống như một lớp đệm và cho phép khi vận động các đầu xương trượt trên nhau nhẹ nhàng. Với thoái hóa khớp ngón tay cái, lớp sụn này mỏng dần đi, không còn trơn nhẵn mà trở nên sần sùi, kèm theo có thể hình thành các gai xương rìa khớp, khi vận động sẽ gây đau.
Triệu chứng của thoái hóa khớp ngón tay cái là gì?
Thoái hóa khớp ngón cái gây cảm giác đau cục bộ sâu trong lòng bàn tay hay đau cổ tay phía xương quay, hoặc đau ở ngay nền ngón tay cái. Cũng có thể đau từ đầu ngón tay cái lan vào nền ngón cái dần dần vùng đau thu hẹp lại.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Cảm giác đau sẽ tăng lên khi vận động. Các động tác đối chiếu ngón cái thường là đau đớn nhất. Đau còn xuất hiện khi xoay ngón cái quanh trục.
Ngoài đau, các biểu hiện khác có thể gặp:
- Sưng, cứng khớp ở nền ngón tay cái của bạn.
- Cảm thấy yếu khi véo hoặc cầm nắm đồ vật.
- Hạn chế khả năng vận động ngón cái.
- Nền ngón cái sưng và có hình “vuông” do bán trật khớp cổ tay – bàn tay thứ nhất.
Cụ thể, những công việc thường được mô tả là khó khăn như:
- Mở nắp một chiếc lọ hoặc một cái chai.
- Xoay, vặn chìa khóa.
- Cầm nắm một vật, như một cái chảo.
- Viết trong một thời gian dài, hoặc thậm chí chỉ cầm một cây bút nhỏ.
Xem thêm: Viêm khớp ngón tay cái: Những điều cần biết
Chẩn đoán đau nền ngón tay cái như thế nào?
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bạn và các khó khăn khi thực hiện các động tác đặc trưng hàng ngày.
Không phải ai cũng cần chụp X-quang, vì có thể trên phim chụp X-quang cho thấy ít thay đổi về cấu trúc trong khi các triệu chứng diễn ra rầm rộ. Đôi khi, xuất hiện nhiều thay đổi trên phim X-quang mà các triệu chứng lại nhẹ hoặc chúng ta ít cảm thấy được
Điều trị đau nền ngón tay cái như thế nào?
1. Dùng thuốc
Thuốc giảm đau, chống viêm dạng uống, hoặc bôi ngoài da, đôi khi có thể tiêm corticosteroid nội khớp khi quá đau và không phải nguyên nhân do nhiễm khuẩn. Việc dùng thuốc phải thận trọng và phải đúng chỉ định của bác sĩ với từng giai đoạn, mức độ bệnh.
2. Cố định khớp
Nẹp cố định có thể hỗ trợ khớp của bạn, hạn chế chuyển động của ngón tay cái và cổ tay của bạn. Bạn có thể đeo nẹp chỉ vào ban đêm hoặc suốt cả ngày và đêm. Việc cố định giúp khớp được nghỉ ngơi, giảm đau, và định vị đúng khớp của bạn khi thực hiện các động tác vận động ngón cái.
3. Liệu pháp nhiệt
Điều này có thể đặc biệt hữu ích khi ngón tay cái bị sưng, đau nhiều. Bằng cách lấy khăn vải sạch bọc bên ngoài túi đá lạnh, chườm vào vùng đau trong khoảng 5-10 phút, nhiều lần trong ngày sẽ hỗ trợ giảm viêm và giảm đau nhanh hơn.
4. Giảm căng thẳng cho các khớp của bạn
Điều này có thể được thực hiện bằng cách điều chỉnh các hoạt động của bạn. Từ công việc liên quan nghề nghiệp, làm việc nhà hoặc làm vườn,… Hãy bố trí sắp xếp thời gian trong ngày một cách hợp lý, thay vì cố gắng giải quyết tất cả các công việc cùng một lúc.
5. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ có thể giảm rất nhiều áp lực lên khớp ngón tay cái và giúp nó bớt đau. Như dụng cụ mở lọ, kẹp bút chì, dao kéo,… có chuôi hay cán cầm lớn hơn. Một số hình ảnh dưới đây có thể gợi ý cho bạn.
- Dùng khóa cửa tay gạt thay vì khóa cửa tay nắm tròn. Nếu cửa nhà bạn đang dùng tay nắm tròn, bạn có thể lắp đặt thêm phụ kiện hỗ trợ để biến thành khóa tay gạt.
- Dụng cụ để xoay vặn chìa khóa dễ dàng hơn.
- Dao, thìa, dĩa với chuôi, cán cầm lớn hơn
- Dụng cụ mở nắp chai, lọ.
5. Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, cơn đau dai dẳng kéo dài. Chức năng của ngón tay cái suy giảm nghiêm trọng. Có thể bạn sẽ được bác sĩ đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật có thể cố định khớp, thay khớp, sửa các tổn thương trong khớp.
Trên đây là các thông tin nổi bật về bệnh lý đau nền ngón tay. Nếu có những dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, bạn đừng chủ quan. Hãy liên hệ với các bác sĩ và chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé.
Xem thêm: Giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp