Đau bụng ở trẻ em là một trong những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ. Triệu chứng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Tùy theo từng nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Đồng thời, tùy theo từng hoàn cảnh mà các bậc phụ huynh được hướng dẫn cách xử trí phù hợp. Qua bài viết sau đây, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh sẽ giúp bạn đọc biết rõ hơn về những cách làm giảm đau bụng cho trẻ hiệu quả nhất.
Đau bụng ở trẻ em có cơ chế ra sao?
Đau bụng ở trẻ em là một trong những triệu chứng rất thường gặp. Nó thường là biểu hiện của một bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa. Ngoài ra, một số bệnh lý thuộc hệ tiết niệu, hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tim mạch,… cũng có thể gây nên triệu chứng đau bụng.
Tuy nhiên, theo thống kê chung thì hầu hết đau bụng ở trẻ xuất phát từ nguyên nhân đường tiêu hóa. Cơ chế của triệu chứng đau bụng là do:
- Sự căng giãn đột ngột của các cơ quan trong ổ bụng (như dạ dày, ruột non, ruột già).
- Nhu động tiêu hóa tăng lên đột ngột, co bóp quá mức. Chẳng hạn như co bóp dạ dày, co thắt ruột.
- Màng bụng bị kích thích, bị đụng chạm (như áp xe trong ổ bụng, viêm tụy cấp,…).
Thông qua những cơ chế nói trên, dây thần kinh cảm giác đau nội tạng sẽ bị kích thích. Sự kích thích truyền lên não và gây nên cảm giác đau bụng. Có thể là những cơn đau nhẹ, âm ỉ cho đến những cơn đau co thắt dữ dội, đau quặn từng cơn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Các bệnh thường gặp ở trẻ, tải ngay ứng dụng YouMed.
Xem thêm: Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Những nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên triệu chứng đau bụng ở bé.
Các nguyên nhân điển hình
- Rối loạn tiêu hóa: Chẳng hạn như ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi. Bệnh cảnh này thường gây triệu chứng đau bụng âm ỉ.
- Viêm loét dạ dày, tá tràng. Bệnh cảnh này gây nên triệu chứng đau rát bỏng, đôi khi đau quặn bụng.
- Lồng ruột cấp tính.
- Giun trong đường tiêu hóa gây nên triệu chứng đau bụng khi đói. Nếu giun chui ống mật sẽ gây nên những cơn đau quặn bụng dữ dội.
- Viêm ruột thừa ở trẻ em. Đặc trưng bởi triệu chứng đau vùng hố chậu phải kèm theo sốt cao.
- Sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang). Bệnh cảnh này gây triệu chứng đau quặn bụng, đau lan ra sau lưng.
- Đau bụng do bệnh lỵ (như lỵ amip, lỵ trực trùng). Bệnh lỵ gây triệu chứng đau quặn bụng kèm theo tiêu phân máu, mót rặn, có thể có sốt.
Xem thêm: Tắc nghẽn niệu quản là gì và làm phiền bạn như thế nào?
Các nguyên nhân ít gặp khác
- Áp xe gan, áp xe đường mật.
- Sỏi mật.
- Viêm tụy cấp.
- Hẹp môn vị.
- Thủng dạ dày.
- Bệnh Crohn.
- Viêm túi thừa Meckel.
- Viêm loét đại tràng.
- Tắc ruột do thức ăn.
- Xoắn thừng tinh ở trẻ trai hoặc xoắn buồng trứng ở bé gái.
- Viêm cầu thận, viêm đài bể thận,…
Những triệu chứng kèm theo
Đau bụng ở trẻ em có thể kèm theo nhiều triệu chứng. Nếu chỉ đơn thuần là triệu chứng đau bụng thì sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Chính vì vậy, nếu bố mẹ phát hiện những triệu chứng kèm theo ở trẻ có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
Một số triệu chứng kèm theo có thể là:
- Sốt, có thể sốt cao kèm ớn lạnh, rét run.
- Gan to, vàng da, vàng mắt.
- Nước tiểu màu vàng sậm.
- Nôn ói.
- Hội chứng nhiễm trùng: Môi khô, lưỡi dơ, mặt hốc hác.
- Dấu hiệu mất nước như da khô, khát nước, nếp véo da bụng mất chậm trên 2 giây, mắt trũng.
- Bỏ bú, bú kém, chán ăn, lừ đừ.
- Tiêu chảy hoặc có thể táo bón.
- Khóc thét dữ dội.
- Tiểu ra máu.
- Tăng huyết áp,…
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ
Do đặc điểm hệ tiêu hóa của trẻ chưa thật sự hoàn thiện nên không phải lúc nào trẻ bị đau bụng cũng cần thiết phải gặp bác sĩ. Tuy nhiên, có một số trường hợp, đau bụng ở trẻ em biểu hiện tình trạng khẩn cấp cần được điều trị kịp thời.
Một số tình huống cần phải đưa trẻ gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện như:
- Đau bụng nhiều ngày, không giảm, đau ngày càng tăng.
- Trẻ nôn ói nhiều, bú kém, bỏ bú.
- Lừ đừ, mệt mỏi.
- Sốt cao, rét run.
- Quấy khóc dữ dội và liên tục.
- Tiêu chảy phân có máu.
- Đau ở những vị trí đặc biệt như: hố chậu phải, hạ sườn phải, đau lan ra sau lưng.
- Đau bụng kèm theo đi tiểu ra máu, tăng huyết áp.
- Bé than đau ở vùng cơ quan sinh dục.
- Có triệu chứng co cứng thành bụng.
Điều trị đau bụng cho trẻ tại nhà
Nếu những trường hợp đau bụng ở trẻ em không quá dữ dội, bố mẹ có thể tự điều trị cho bé tại nhà mà không cần đến bác sĩ. Những cách điều trị hiệu quả tại nhà bao gồm:
Chườm ấm bụng
Bố mẹ hãy dùng khăn ấm hoặc túi nước ấm và chườm lên vùng bụng hoặc những nơi bé cảm thấy đau. Tốt nhất là bạn nên giữ cho bé nằm thẳng thay vì nằm nghiêng. Chườm quanh vị trí đau trong vòng 10 đến 15 phút, lặp lại vài lần trong ngày.
Massage vùng bụng
Phụ huynh hãy xoa bóp vùng bụng của bé một cách nhẹ nhàng trong khoảng 15 phút. Có thể lặp lài nhiều lần trong ngày. Phương pháp này có thể giúp giảm tình trạng đau bụng do táo bón hoặc đầy hơi một cách hiệu quả.
Thay đổi chế độ ăn uống
Thay đổi chế độ ăn uống của bé một vài ngày khi bé đang bị đau bụng. Bé có thể bị đau bụng do ăn những thức ăn khó tiêu gây nên tình trạng đầy bụng. Khi ấy, bố mẹ có thể thay bằng những thức ăn mềm, dễ tiêu hơn. Chẳng hạn như bột ngũ cốc, súp thịt bằm, sữa công thức,…
Xem thêm: Trẻ biếng ăn và chế độ dinh dưỡng mà bố mẹ cần biết
Bổ sung lợi khuẩn đường ruột
Đây là một trong những cách điều trị đau bụng ở trẻ em tại nhà khá hiệu quả. Trẻ rất dễ bị đau bụng do loạn khuẩn đường ruột. Chính vì vậy, bố mẹ nên bổ sung những lợi khuẩn đường ruột. Những vi khuẩn có ích này sẽ hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa ở trẻ.
Bố mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn bằng cách mua tại những nhà thuốc tây. Đây là loại thuốc có bán rộng rãi trên thị trường và rất an toàn đối với bé. Đó là những men vi sinh dạng bột hoặc dạng dịch lỏng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé ăn sữa chua để bổ sung vi khuẩn có lợi nữa đấy!
Phương pháp đông y
Nhiều trường hợp bé bị đau bụng do khó tiêu, lạnh bụng. Lúc này, bố mẹ có thể làm giảm tình trạng đau bụng ở trẻ em bằng cách làm ấm bụng. Một số phương pháp đông y dùng thảo dược để trị đau bụng cho trẻ bao gồm:
- Trà gừng.
- Trà hoa cúc.
- Mật ong pha với nước ấm.
- Xoa dầu gió vào bụng đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên. Riêng đối với trẻ nhỏ hơn thì nên dùng dầu tràm, dầu khuynh diệp.
Khuyến khích trẻ thư giãn
Nếu đau bụng do nguyên nhân tâm lý thì cách này tỏ ra rất hiệu quả. Bố mẹ hãy tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, bớt lo lắng, bớt sợ hãi. Bạn có thể cho trẻ xem phim hoạt hình, chơi những trò chơi mà bé thích, kể chuyện cho bé nghe,…
Khuyến khích trẻ vận động ngoài trời
Việc vận động ngoài trời không những giúp cho tinh thần của bé thoải mái mà còn kích thích quá trình tiêu hóa ở trẻ. Đây là cách điều trị đau bụng ở trẻ em do nguyên nhân tâm lý hoặc đau bụng do chậm tiêu hóa thức ăn.
Cho trẻ uống thuốc giảm đau bụng
Đây là phương án nên ưu tiên sau cùng để điều trị đau bụng đối với trẻ em. Một số thuốc có thể sử dụng cho trẻ như thuốc tiêu đen, siro có chứa Domperidon, men vi sinh,… Tuy nhiên, bạn cũng không nên tùy tiện cho bé uống mà nên có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Đau bụng ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Nếu bé bị đau bụng nhẹ, thông thường thì bố mẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong những tình huống khẩn cấp thì đừng chần chừ mà hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa ngay nhé!