Thoái hóa cột sống thắt lưng và những điều bạn cần biết

Thoái hóa cột sống thắt lưng là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của bạn. Nếu để lâu có thể gây ra hội chứng thoát vị đĩa đệm. Vậy nguyên nhân, triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng là gì? Bệnh này có điều trị và phòng ngừa được hay không? Bài viết sau của bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân sẽ giải đáp những thắc mắc này cho bạn đọc.

1. Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần, gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp.

Sụn khớp là mô trơn, đàn hồi giúp bảo vệ khớp và cung cấp sự bôi trơn cần thiết cho cử động khớp bình thường. Khi bạn già đi, lớp sụn bao phủ các khớp mặt có thể từ từ mòn đi. Bên cạnh đó, nước là thành phần cơ bản của các đĩa đệm. Và đĩa đệm có thể mất nước khi bạn già đi. Điều này có thể làm cho các đĩa đệm trong cột sống của bạn bị thu hẹp và gây áp lực gia tăng lên các bề mặt khớp.

Theo một thống kê cho thấy, thoái hóa khớp ảnh hưởng đến 27 triệu người Mỹ. Thoái hóa khớp nói chung có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên thường gặp ở:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Tay.
  • Đầu gối.
  • Hông.
  • Cột sống.

Thoái hóa cột sống ảnh hưởng đặc biệt đến các bề mặt khớp, sụn khớp và dây chằng ở cột sống.

Các triệu chứng của thoái hóa khớp thường có thể được kiểm soát, mặc dù tổn thương cho khớp không thể phục hồi. Duy trì hoạt động, duy trì cân nặng hợp lý và một số phương pháp điều trị có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Đồng thời, nó giúp cải thiện đau và chức năng khớp.

2. Các triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Rõ ràng thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, phổ biến nhất là đau lưng. Các triệu chứng thường phát triển chậm và xấu đi theo thời gian. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm xương khớp bao gồm:

Đau

Thường bắt đầu ở lưng dưới. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn chỉ có thể bị đau vào buổi sáng do hàng giờ không hoạt động Các khớp bị ảnh hưởng có thể bị đau trong hoặc sau khi vận động.

Đau thắt lưng là triệu chứng thường gặp

Đau thắt lưng là triệu chứng thường gặp

Cứng khớp

Độ cứng khớp có thể thấy rõ nhất khi thức dậy hoặc sau khi không hoạt động.

Mất tính linh hoạt

Bạn có thể không thể vận động cột sống một cách trơn tru, linh hoạt như trước đây.

Sưng

Điều này có thể được gây ra bởi viêm mô mềm xung quanh khớp.

Chèn ép thần kinh

Yếu hoặc tê ở chân. Cảm giác ngứa ran, châm chích ở chân. Một số trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến việc tiêu tiểu không tự chủ.

Đau lưng do thoái hóa khớp cột sống thắt lưng thường nặng hơn khi ngồi thẳng hoặc đứng. Nó thường cải thiện khi bạn nằm xuống. Một số người bị thoái hóa khớp cột sống thắt lưng mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

3. Nguyên nhân của thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là do sự thoái hóa sụn khớp ở vùng thắt lưng. Cuối cùng, nếu sụn mòn hoàn toàn, xương sẽ cọ xát lên nhau khi bạn vận động cột sống.

Bên cạnh sự phá hủy của sụn, thoái hóa cột sống có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khớp. Nó gây ra những thay đổi trong xương, màng hoạt dịch và mô liên kết. Nguyên nhân chính xác của sự thoái hóa này vẫn chưa được biết, nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

>> Có nhiều bệnh lý có thể xảy ra với cột sống gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt, như vẹo cột sống. Đọc thêm: Vẹo cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị.

4. Ai dễ bị thoái hóa cột sống thắt lưng?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống thắt lưng đó là:

Tuổi cao

Nguy cơ thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ tăng dần theo tuổi.

Giới tính

Phụ nữ có nhiều khả năng bị thoái hóa cột sống thắt lưng hơn, mặc dù không rõ tại sao.

Béo phì

Bạn biết không, dư cân béo phì có thể góp phần gây ra thoái hóa cột sống theo nhiều cách. Nếu bạn dư cân càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng lớn. Thật vậy, tăng trọng lượng làm tăng thêm gánh nặng cho các khớp chịu trọng lượng. Chẳng hạn như hông và đầu gối của bạn. Ngoài ra, mô mỡ tạo ra các protein có thể gây viêm, là những chất có hại cho khớp và mô xung quanh khớp của bạn.

Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Chấn thương khớp

Chấn thương, chẳng hạn như những trường hợp xảy ra khi chơi thể thao hoặc do tai nạn, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống. Ngay cả những chấn thương xảy ra nhiều năm trước và dường như được chữa lành cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Áp lực lặp đi lặp lại trên khớp

Nếu công việc của bạn hoặc một môn thể thao bạn chơi gây căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp, khớp đó cuối cùng có thể bị thoái hóa.

Di truyền

Một số người thừa hưởng xu hướng bị thoái hóa cột sống thắt lưng.

Biến dạng xương

Một số người được sinh ra với các khớp bị dị dạng hoặc sụn khiếm khuyết.

Một số bệnh chuyển hóa

Bao gồm bệnh tiểu đường và một tình trạng trong đó cơ thể bạn có quá nhiều chất sắt (hemochromatosis).

5. Chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng như thế nào?

Hỏi bệnh sử

Đau là triệu chứng mà bạn thường than phiền với bác sĩ nhất. Bạn cần cung cấp những thông tin liên quan đến triệu chứng mà mình đang gặp phải, như:

  • Hoàn cảnh khởi phát, kéo dài bao lâu.
  • Vị trí đau, mức độ, tính chất đau.
  • Đã điều trị ở đâu chưa.
  • Những triệu chứng đi kèm nhưng cũng rất quan trọng như yếu chân, tê chân hoặc gặp các vấn đề về đường tiểu. Thông tin về tiền sử gia đình bạn cũng cần được cung cấp cho bác sĩ.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để kiểm tra tính chất đau của bạn, tầm hoạt động của cột sống. Kiểm tra sức cơ, cảm giác cũng rất quan trọng.

Bác sĩ sẽ thực hiện một số thăm khám khi nghi ngờ bị thoái hóa cột sống thắt lưng

Bác sĩ sẽ thực hiện một số thăm khám khi nghi ngờ bị thoái hóa cột sống thắt lưng

Xét nghiệm hình ảnh học

Để có được hình ảnh chi tiết của cột sống thắt lưng bị ảnh hưởng, bác sĩ có thể đề nghị:

  • X quang. Sụn không hiển thị trên hình ảnh X quang. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy thoái hóa cột sống như: hẹp các khe khớp, gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm, bao gồm cả sụn. MRI thường không cần thiết để chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng. Nhưng nó có thể giúp cung cấp thêm thông tin trong các trường hợp phức tạp.

Xét nghiệm khác

Trong một số trường hợp, phân tích máu hoặc dịch khớp của bạn có thể giúp xác nhận chẩn đoán.

  • Xét nghiệm máu. Mặc dù không có xét nghiệm máu đặc trưng cho thoái hóa cột sống. Một số xét nghiệm có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
  • Phân tích dịch khớp. Bác sĩ của bạn có thể sử dụng kim để hút chất lỏng từ khớp bị ảnh hưởng. Sau đó, chất lỏng được kiểm tra tình trạng viêm. Và để xác định xem cơn đau của bạn là do bệnh gút hay nhiễm trùng chứ không phải thoái hóa.

6. Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng như thế nào?

Phải nói rằng, thoái hóa cột sống thắt lưng là tình trạng không thể đảo ngược. Mục tiêu của điều trị là giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp. Bác sĩ có thể thảo luận về các lựa chọn điều trị có thể với bạn.

Thuốc

  • Thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen có thể hiệu quả trong những trường hợp đau nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bạn cần dùng thuốc này theo chỉ dẫn để tránh tổn thương gan.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri, được dùng với liều khuyến cáo, thường làm giảm đau do thoái hóa khớp. NSAID có thể gây khó chịu cho dạ dày, các vấn đề về tim mạch, chảy máu và tổn thương gan và thận. NSAID dưới dạng gel, bôi lên da, có ít tác dụng phụ hơn.
  • Duloxetine. Thông thường được sử dụng như một thuốc chống trầm cảm. Thuốc này cũng được phê duyệt để điều trị đau mãn tính, bao gồm đau xương khớp.

Có nhiều loại thuốc được kê trong điều trị

Có nhiều loại thuốc được kê trong điều trị

Tiêm corticosteroid

Một lựa chọn khác là tiêm corticosteroid trực tiếp vào các khớp bị ảnh hưởng. Số lượng mũi  tiêm bạn có thể nhận được mỗi năm thường giới hạn ở ba hoặc bốn. Vì thuốc có thể làm tổn thương khớp theo thời gian.

Phẫu thuật

Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị phổ biến đối với thoái hóa cột sống thắt lứng. Nhưng trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị một quy trình thay thế đĩa đệm bị tổn thương ở cột sống của bạn.

Vật lý trị liệu

Bạn có thể được kê đơn các bài tập để tăng cường sức mạnh cơ vùng bụng, vùng lưng, để giảm đau và cải thiện tầm chuyển động của cột sống. Bơi lội hoặc đi bộ cũng đem lại nhiều hiệu quả.

Các biện pháp chườm lạnh, chườm nóng hoặc kích thích điện giảm đau cũng giúp giảm triệu chứng đau lưng cho bạn.

7. Thay đổi lối sống cho người bị thoái hóa cột sống thắt lưng

Thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp bạn dễ dàng sống chung với bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng.

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý. Bởi chúng giúp cải thiện các triệu chứng và giảm bớt áp lực lên cột sống.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút, ba lần một tuần cũng có hiệu quả. Tập thể dục tăng cường sức mạnh cho cơ xương khớp và cải thiện tầm chuyển động. Những lợi ích khác bao gồm tâm trạng tốt hơn, trái tim khỏe mạnh hơn và lưu lượng máu tăng lên. Càng năng động, bạn sẽ càng dễ dàng quản lý các công việc hằng ngày mà không bị đau. Các lựa chọn bao gồm đi bộ, bơi lội, các hoạt động aerobic, yoga, pilates, thái cực quyền.

Xây dựng lối sống năng động, lành mạnh để ngăn ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng

Xây dựng lối sống năng động, lành mạnh để ngăn ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng

Tóm lại, thoái hóa cột sống thắt lưng là một bệnh lý không thể đảo ngược. Tuy nhiên, việc điều trị hợp lý và thay đổi lối sống hoàn toàn có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bạn có thể kiểm soát được các triệu chứng và quay trở lại cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, đừng chần chừ để xây dựng một lối sống năng động, lành mạnh cho bản thân và gia đình nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *