Bàn chân rơi là dấu hiệu của bệnh gì?

Bàn chân rơi là một thuật ngữ mô tả sự khó khăn trong nâng một phần của bàn chân. Khi phần trước bàn chân (phân biệt với phần sau là gót chân) trở nên yếu ớt, không thể vận động dễ dàng, thì tình trạng này gọi là bàn chân rơi. Vậy đây là dấu hiệu cho bệnh lý nào? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé.

Tổng quan

Bàn chân rơi thật sự không phải là một bệnh lý. Tình trạng này có thể xuất hiện khi bạn mắc phải một căn bệnh nào đó ảnh hưởng đến thần kinh cơ. Nếu bạn có tình trạng này, khi di chuyển, phần trước bàn chân có thể sẽ bị kéo lê theo từng bước đi. Tình trạng này có thể xuất hiện một thời gian rồi biến mất. Tuy nhiên, một số trường hợp triệu chứng này lại kéo dài dai dẳng.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

1. Các biểu hiện của bàn chân rơi là gì?

Khi bị bàn chân rơi, phần trước bàn chân của bạn sẽ cử động rất yếu hoặc không cử động được. Tuy nhiên, phần gót chân và cẳng chân của bạn có thể vận động bình thường. Điều này gây ra hiện tượng bạn kéo lê bàn chân của mình khi di chuyển. Dấu hiệu thường thấy là bạn phải nhấc chân lên cao mỗi bước đi, hay khó khăn trong việc leo cầu thang.

Bàn chân rơi không thể nhấc lên, không gập mu bàn chân lên được

Bàn chân rơi không thể nhấc lên, không gập mu bàn chân lên được

Ngoài ra, bạn cũng để ý thấy rằng mình không thể nhón chân được. Da bàn chân và các ngón cũng có cảm giác tê bì, đôi khi mất cảm giác. Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì, bạn có thể bị bàn chân rơi ở một hoặc hai chân.

Vậy khi nào bạn nên đi khám?

Bàn chân rơi là một dấu hiệu bất thường. Bất kỳ khi nào thấy khó khăn trong việc di chuyển hay gặp những dấu hiệu như đã kể trên, bạn nên đi khám ngay. Thông thường, bệnh nhân thường đi khám khi thấy chân mình kéo lê trên sàn mỗi khi bước đi.

2. Điều gì gây nên bàn chân rơi?

Dấu hiệu bàn chân rơi là do sự suy yếu các cơ ở chân. Sự suy yếu này ảnh hưởng đến các cơ có tác dụng nâng bàn chân lên. Do đó, các nguyên nhân ảnh hưởng đến các cơ này đều có thể gây nên bàn chân rơi. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Tổn thương dây thần kinh. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Có một sự tác động làm chèn ép lên dây thần kinh chi phối cho các cơ nâng bàn chân, từ đó khiến bạn không thể thực hiện động tác này được. Thần kinh bị ảnh hưởng có tên là thần kinh mác. Thần kinh mác có thể bị tổn thương trong các phẫu thuật khớp gối hay khớp háng.
  • Ngoài tổn thương dây thần kinh, tổn thương rễ thần kinh cũng có thể gây ra bàn chân rơi. Rễ thần kinh bị chèn ép cũng gây ra biểu hiện tương tự như ở dây thần kinh. Những người bị đái tháo đường thường dễ bị các bệnh lý về hệ thần kinh ngoại biên, do đó cũng có nhiều khả năng bị bàn chân rơi hơn.
  • Bệnh lý về cơ hay thần kinh. Có nhiều dạng bệnh loạn dưỡng cơ, chúng là bệnh di truyền với biểu hiện yếu cơ tiến triển. Dần dần, việc yếu cơ nặng lên và gây ra bàn chân rơi. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như bại liệt hay bệnh Charcot-Marie-Tooth cũng có thể gây nên tình trạng này.
  • Bệnh lý của não bộ hay tủy sống. Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến tủy sống như bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), đa xơ cứng hay đột quỵ cũng có thể gây ra bàn chân rơi.

Các yếu tố nguy cơ của tình trạng bàn chân rơi là gì?

Thần kinh mác kiểm soát động tác nâng bàn chân. Dây thần kinh này đi sát bề mặt da ở mặt ngoài đầu gối của bạn. Một số động tác có thể gây nên sự chèn ép thần kinh này, làm tăng nguy cơ xuất hiện bàn chân rơi. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Vắt chéo chân. Những người có thói quen vắt chéo chân có thể gây chèn ép lên thần kinh mác của chân nằm trên.
  • Quỳ gối kéo dài. Một số công việc khiến bạn phải quỳ gối hay squat nhiều, ví dụ như khi hái dâu hay quỳ gối để lau sàn. Những công việc này có thể làm tăng nguy cơ bị bàn chân rơi.
  • Bạn phải bó bột chân. Khi bó bột, nếu bó quá chặt ở vùng mắt cá chân hay phần dưới đầu gối có thể ảnh hưởng đến thần kinh mác.

Các công việc yêu cầu quỳ gối nhiều làm tăng khả năng tổn thương thần kinh

Các công việc yêu cầu quỳ gối nhiều làm tăng khả năng tổn thương thần kinh

3. Chẩn đoán bàn chân rơi ra sao?

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán thông qua khám lâm sàng. Bạn sẽ được yêu cầu đi lại để bác sĩ kiểm tra động tác cũng như mức độ yếu cơ của bàn chân. Bác sĩ cũng khám cảm giác bàn chân của bạn. Điều này giúp phát hiện các rối loạn cảm giác hay mất cảm giác da bàn chân.

Các xét nghiệm hình ảnh học

Một số trường hợp bàn chân rơi gây ra bởi sự phát triển quá mức của xương trong ống sống, hoặc do sự chèn ép của một nang hay u gây đè ép vào thần kinh. Khi đó, các xét nghiệm hình ảnh giúp chẩn đoán nguyên nhân của bàn chân rơi. Một số xét nghiệm có thể được sử dụng là:

  • Chụp X quang. Giúp đánh giá sơ lược về tổn thương mô mềm và xương. Hỗ trợ tìm các nguyên nhân của bàn chân rơi.
  • Siêu âm. Sóng siêu âm giúp tạo ra các hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Kỹ thuật này giúp tìm các nang và u trên dây thần kinh. Ngoài ra, nó còn giúp đánh giá sự phù nền của thần kinh do tác động chèn ép gây ra.
  • Chụp CT scan. Được chụp nhiều lớp cắt, phim CT giúp đánh giá tốt hơn cấu trúc cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Cộng hưởng từ cho kết quả hình ảnh rất chi tiết. Nó giúp đánh giá tốt các tổn thương mô mềm gây chèn ép thần kinh.

Đo điện cơ

Đo điện cơ (EMG) và các xét nghiệm đánh giá sự dẫn truyền thần kinh giúp đo đạc tốc độ dẫn truyền thần kinh cơ. Các xét nghiệm này có thể gây chút khó chịu, nhưng chúng khá hữu ích. Chúng giúp xác định vị trí bị tổn thương trên dây thần kinh bị chèn ép.

>> Co nhiều bệnh lý gây ảnh hưởng đến bàn chân của chúng ta hơn bạn nghĩ. Đọc thêm: Hội chứng chân không yên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị.

4. Điều trị tình trạng này như thế nào?

Điều trị của bàn chân rơi phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý. Nếu điều trị nguyên nhân hiệu quả, bàn chân sẽ tự phục hồi lại hoạt động bình thường. Nếu không điều trị được nguyên nhân, tình trạng bàn chân rơi sẽ kéo dài suốt đời.

Một số phương pháp điều trị có thể sử dụng như:

  • Sử dụng niềng hay nẹp bàn chân. Niềng hay nẹp chân giúp giữ cho bàn chân của bạn ở vị trí bình thường.

Nẹp chỉnh giúp giữ bàn chân của bạn ở tư thế bình thường

Nẹp chỉnh giúp giữ bàn chân của bạn ở tư thế bình thường
  • Tập vật lý trị liệu. Một số bài tập giúp tăng cường sức mạnh của các cơ giúp nâng bàn chân. Điều này giúp cải thiện khả năng hoạt động của bàn chân, tăng khả năng đi lại, cải thiện dáng đi cho bạn. Bạn cũng cần tập các bài tập co giãn cơ. Chúng giúp ngăn ngừa cứng cơ và cứng gót chân.
  • Kích thích thần kinh. Kích thích vào thần kinh bị ảnh hưởng. Đôi khi, những kích thích này cải thiện khả năng vận động bàn chân.
  • Phẫu thuật. Tùy vào nguyên nhân, điều trị phẫu thuật có thể được cân nhắc. Đặc biệt nếu tình trạng bàn chân rơi của bạn là mới xuất hiện. Nếu tình trạng bàn chân rơi của bạn đã kéo dài lâu, một số phẫu thuật khác có thể được sử dụng. Bác sĩ có thể nối và điều chỉnh vị trí bám của gân cơ sang một nơi khác. Điều này giúp cải thiện khả năng vận động bàn chân.

5. Thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà

Bàn chân rơi có thể khiến bạn dễ bị trượt và té ngã hơn. Do đó, bạn nên chú ý những điểm sau:

  • Giữ cho sàn nhà của bạn gọn gàng. Bạn có thể bị té ngã nếu vấp phải đồ đạc.
  • Tránh việc sử dụng thảm.
  • Sắp xếp các dây sạc gọn gàng, tránh để chúng trên đường đi.
  • Đảm bảo phòng ốc và cầu thang được chiếu sáng tốt.
  • Dán màu huỳnh quang trên mỗi bậc thang.
Giữ cho nhà cửa gọn gàng, sáng sủa giúp hạn chế té ngã

Giữ cho nhà cửa gọn gàng, sáng sủa giúp hạn chế té ngã

Tạm kết

Trên đây, chúng ta đã cùng tìm hiểu về tình trạng bàn chân rơi. Đây không phải là một bệnh lý mà là dấu hiệu của tổn thương ảnh hưởng đến thần kinh – cơ. Nếu được chẩn đoán và điều trị nguyên nhân dứt điểm, bệnh sẽ hoàn toàn biến mất, trả lại cho bạn khả năng vận động như bình thường. Do đó, hãy lưu ý đến các dấu hiệu của bàn chân rơi để có thể phát hiện và điều trị kịp thời bạn nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *