Gãy xương do mỏi là tình trạng xuất hiện những vết nứt nhỏ bên trong xương. Những vết nứt này thường do các cử động lặp đi lặp lại hay sử dụng quá mức bộ phận nào đó trên cơ thể. Chẳng hạn như chạy bộ quá lâu không nghỉ hay động tác nhảy lên xuống lặp lại kéo dài. Gãy xương do mỏi cũng có thể là tình trạng tiến triển từ bệnh lý loãng xương.
1. Các triệu chứng gãy xương do mỏi
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Ở khoảng thời gian đầu, bạn hầu như không nhận thấy cảm giác đau. Tuy nhiên, những cơn đau sẽ xuất hiện sau đó và xấu đi theo thời gian. Những cơn đau thường bắt đầu từ một vị trí nhất định và sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra bạn cũng có thể bị sưng và phù nề xung quanh vị trí đau.
Đi khám bác sĩ ngay khi cảm giác đau trở nên dữ dội hay cơn đau không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
2. Nguyên nhân gây ra
Nguyên nhân của tình trạng này là do tăng cường độ và tần suất của một hoạt động vận động quá nhanh và đột ngột. Bình thường, xương sẽ thích nghi dần với việc tăng cường độ nhờ tăng tốc “quá trình đổi mới”. Trong quá trình này, mô xương bị phá huỷ, tái hấp thu và sau đó được xây dựng lại. Tuy nhiên, khi xương phải chịu một lực lớn bất thường và không đủ thời gian để phục hồi các tế bào, gãy xương do mỏi rất dễ xuất hiện.
Tình trạng gãy xương này xảy ra phổ biến nhất ở các xương chịu trọng lượng của cơ thể. Những xương đó là xương cẳng chân và bàn chân. Vận động viên điền kinh và chiến sĩ trong quân đội phải mang vác nặng và đi quãng đường dài là những đối tượng có nguy cơ bị gãy xương do mỏi cao nhất. Tuy nhiên, tình trạng này trên thực tế có thể xảy ra ở mọi người thuộc mọi lứa tuổi. Chẳng hạn như một người vừa bắt đầu tập luyện thể thao nhưng tập cường độ cao thì có nguy cơ bị gãy xương do mỏi.
Xem thêm: Gãy xương: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sao cho hợp lí?
3. Các yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gãy xương do mỏi như:
- Một số môn thể thao. Gãy xương do mỏi phổ biến ở những người chơi những môn thể thao mang tính va chạm cao. Thường gặp ở môn như bóng rổ, quần vợt, khiêu vũ hay thể dục dụng cụ.
- Gia tăng hoạt động. Gãy xương do mỏi thường xảy ra ở những người đột nhiên chuyển từ lối sống ít vận động sang chế độ tập luyện tích cực hoặc tăng nhanh cường độ, tần suất và thời gian các buổi tập.
- Giới tính. Phụ nữ thường có nguy cơ cao xuất hiện loại gãy xương này. Nguy cơ mắc bệnh càng cao ở những người có kinh nguyệt thất thường hay đã mãn kinh.
- Bàn chân bất thường. Những người có bàn chân phẳng hoặc bàn chân vòm có nhiều nguy cơ bị gãy xương do mỏi. Đế giày bị mòn cũng là một yếu tố góp phần gây ra bệnh này. Xem thêm: Gãy xương bàn chân: Những kiến thức cơ bản cần biết.
- Giảm mật độ xương. Những tình trạng như loãng xương có thể làm suy yếu xương khiến nguy cơ gãy xương do mỏi tăng cao.
- Đã từng bị gãy xương do mỏi trước đây. Từng bị tình trạng này trước đây cũng là một yếu tố nguy cơ cao khiến bạn dễ bị gãy xương do mỏi tái phát.
- Thiếu một số chất dinh dưỡng. Rối loạn ăn uống, thiếu vitamin D và canxi có thể làm xương dễ bị gãy do mỏi.
4. Những biến chứng và cách phòng ngừa
Một số trường hợp gãy xương do mỏi không lành như bình thường và có thể gây ra những vấn đề lâu dài. Nếu những nguyên nhân tiềm ẩn không được phát hiện, bạn có nguy cơ cao bị gãy xương do mỏi tái phát.
Do đó, tuân thủ những bước đơn giản sau để giúp phòng ngừa gãy xương do mỏi:
- Nâng việc tập luyện từ từ. Bắt đầu một kế hoạch tập luyện từ từ và nâng dần mức độ. Tránh tăng cường độ nhiều hơn 10% so với tuần trước.
- Sử dụng giày dép phù hợp. Nhớ lựa một đôi giày vừa vặn và phù hợp với hoạt động của bạn. Nếu bị bàn chân dẹt, bạn có thể hỏi bác sĩ về những dụng cụ hỗ trợ nâng vòm bàn chân dùng cho giày của bạn.
- Tập luyện chéo (cross-training). Bạn có thể tập xen kẽ những bài tập có cường độ thấp và tương đối nhẹ nhàng với những bài tập chính. Việc này nhằm tránh tạo áp lực lặp đi lặp lại lên một bộ phận cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để giữ cho xương chắc khỏe, hãy đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ canxi, vitamin D cũng như các chất dinh dưỡng khác.
5. Chẩn đoán gãy xương do mỏi như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn và khám để đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề nghị thêm những cận lâm sàng sau để hỗ trợ chẩn đoán:
- Chụp X-quang. Thường rất khó phát hiện gãy xương do mỏi trên phim X-quang chụp ngay sau khi xuất hiện cơn đau. Cần vài tuần hay thậm chí hơn một tháng để có thể phát hiện các dấu hiệu trên phim X-quang.
- Xạ hình xương. Trong quá trình xạ hình xương, một chất đánh dấu (chất phóng xạ) được tiêm vào máu của người bệnh. Những vị trí xương đang sửa chữa sẽ hấp thụ mạnh chất đánh dấu này. Sau đó trên phim sẽ hiển trị vị trí hấp thu dưới dạng một đốm sáng. Tuy nhiên hình ảnh này có thể do nhiều trình trạng bệnh lý gây ra nên không đặc hiệu cho gãy xương do mỏi.
- Cộng hưởng từ (MRI). MRI sử dụng sóng từ trường và sóng radio. Những sóng này tạo ra các hình ảnh chi tiết của xương và mô mềm. MRI thường là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán gãy xương do mỏi. Trên phim MRI có thể thấy những tổn thương sớm trước khi chúng biểu hiện trên X-quang. Những tổn thương sớm thể hiện ở dạng đậm độ thấp do phản ứng của xương với tình trạng chịu áp lực trong thời gian dài. Phương tiện này cũng giúp phân biệt giữa gãy xương do mỏi và tổn thương mô mềm.
6. Phương pháp điều trị gãy xương do mỏi
Bạn có thể cần phải mang nẹp hoặc sử dụng nạng trong quá trình điều trị. Việc này nhằm để giảm áp lực lên xương, tránh tác động lên quá trình lành vết thương.
Phương pháp phẫu thuật không được dùng phổ biến trong bệnh này. Tuy nhiên, phẫu thuật rất cần thiết ở một số trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo xương lành hoàn toàn. Chẳng hạn phẫu thuật trong gãy xương do mỏi xảy ra ở những vùng có máu nuôi kém. Phẫu thuật cũng có thể được lựa chọn để giúp những vận động viên thể thao trở lại quá trình luyện tập nhanh hơn hay những người lao động có công việc liên quan đến gãy xương do mỏi.
Xem thêm: Gãy xương sườn điều trị như thế nào? Cách chăm sóc và phục hồi ra sao?
Lời khuyên của bác sĩ dành cho bạn
Khi bị tổn thương, để xương có thời gian hồi phục là một trong những yếu tố chính. Có thể mất vài tháng hay thậm chí lâu hơn để xương hoàn thành quá trình hồi phục. Trong khoảng thời gian đó bạn nên:
- Nghỉ ngơi. Tránh sử dụng các chi bị thương theo hướng dẫn của bác sĩ cho đến khi bạn hồi phục như trước đây.
- Chườm nước đá. Bạn có thể sử dụng túi nước đá chườm vào vùng bị thương. Thời gian chườm là 15 phút mỗi 3 giờ đồng hồ để giảm sưng đau.
- Tiếp tục các hoạt động nhẹ nhàng. Khi bác sĩ đồng ý, bạn có thể nâng dần các hoạt động không chịu tác động của trọng lực như bơi lội lên thành các hoạt động thông thường trước đây. Nếu bạn chạy bộ, hãy nâng thời gian và khoảng cách lên từ từ.
Gãy xương do mỏi có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường gặp nhất là ở những vận động viên hay trong quân đội. Cách tốt nhất để không bị bệnh này là có kế hoạch tập luyện phù hợp, tránh nâng cường độ và tần suất các bài tập không phù hợp với cơ thể. Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng, đặc biệt là các cơn đau dữ đội và không thuyên giảm khi nghỉ, bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị, tránh tình trạng lành xương bất thường.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương