Rách sụn viền khớp háng: Nỗi lo của các vận động viên

Sụn viền là vòng sụn bao quanh viền khớp háng. Ngoài chức năng đệm đỡ cho khớp háng, sụn viền hoạt động như một miếng đệm giữ cho chỏm xương đùi nằm trong ổ cối. Vận động viên thể thao và người có bất thường khớp háng có nguy cơ cao bị rách sụn viền. Vậy làm thế nào để nhận biết và điều trị rách sụn viền khớp háng? Hãy cùng YouMed theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất.

>> Xem thêm: Gãy sụn tiếp hợp và những điều cần lưu ý 

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

1. Triệu chứng của Rách sụn viền khớp háng gồm những gì?

Rách sụn viền khớp háng có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người sẽ có các triệu chứng sau đây:

  • Đau ở hông hoặc háng, thường đau nhiều hơn khi đứng lâu, ngồi lâu hoặc đi bộ.
  • Khóa khớp, khớp kêu lộp cộp hoặc cảm giác khó chịu ở khớp háng
  • Cứng khớp hoặc giới hạn vận động khớp háng

2. Nguyên nhân gây ra Rách sụn viền khớp háng là gì?

  • Chấn thương. Tai nạn giao thông hoặc chơi thể thao như bóng đá hoặc hockey. Tổn thương hoặc trật khớp háng có thể gây rách sụn viền.
  • Bất thường cấu trúc. Một số người khi sinh ra có bất thường cấu trúc khớp háng. Điều này có thể gây mòn và rách khớp háng và cuối cùng gây rách sụn viền.
  • Cử động lặp đi lặp lại. Hoạt động thể thao và các hoạt động như chạy đường dài và cử động xoay đột ngột như chơi golf có thể làm mòn và rách khớp háng, rách sụn viền.

3. Rách sụn viền khớp háng gây ra biến chứng gì?

Rách sụn viền có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp sau này.

4. Phòng ngừa Rách sụn viền khớp háng bằng cách nào?

Nếu môn thể thao bạn chơi cần nhiều sức lực lên hông, hãy chuẩn bị các bài tập tăng sức mạnh và sự dẻo dai của các cơ quanh khớp hông.

5. Chẩn đoán Rách sụn viền khớp háng như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền căn đau khớp và khó chịu ở khớp. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ di chuyển chân, đặc biệt là khớp háng, theo nhiều hướng khác nhau để tìm điểm đau và đánh giá biên độ vận động khớp háng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ.

Hình ảnh học

Rách sụn viền khớp háng hiếm khi xảy ra độc lập. Trong hầu hết các trường hợp, các cấu trúc khác trong khớp háng cũng bị tổn thương. X-quang là công cụ hữu hiệu để đánh giá xương. Giúp kiểm tra gãy xương và các bất thường về cấu trúc.

MRI có thể cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm khớp háng. Có thể cần đến thuốc cản từ để quan sát rõ hơn vết rách sụn viền.

Tiêm thuốc tê

Đau khớp hông có thể do nguyên nhân trong khớp hoặc ngoài khớp. Bác sĩ có thể tiêm thuốc tê vào ổ khớp. Nếu triệu chứng đau giảm, khả năng cao là do nguyên nhân trong khớp.

6. Điều trị Rách sụn viền khớp háng như thế nào?

Điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng. Một số người có thể hồi phục với điều trị bảo tồn trong vài tuần. Những người khác có thể cần đến phẫu thuật để sửa chữa hoặc loại bỏ phần sụn bị rách.

Thuốc

Thuốc kháng viêm nonsteroid, như ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen sodium (Aleve), có thể làm giảm đau và viêm. Có thể giảm đau tạm thời bằng cách tiêm corticosteroid vào khớp.

Liệu pháp

Nhà vật lý trị liệu sẽ dạy các bài tập để tăng cường tối đa biên độ vận động khớp háng, cũng như sức mạnh và độ bền. Nhà trị liệu cũng có thể giúp tránh những cử động gây áp lực lên khớp háng.

Phẫu thuật

Nếu điều trị bảo tồn không làm giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nội soi khớp.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và độ rộng của vết rách, nhà phẫu thuật sẽ loại bỏ phần sụn rách hoặc sửa chữa sụn bằng chỉ khâu.

Biến chứng của phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương dây thần kinh và tái phát triệu chứng nếu vết rách không lành hẳn. Có thể mất hàng tuần đến hàng tháng để có thể chơi thể thao trở lại.

Rách sụn viền khớp háng là tổn thương ở sụn viền do chấn thương hoặc bất thường cấu trúc khớp háng. Các môn thể thao có nguy cơ cao gây rách sụn viền là khúc côn cầu, bóng đá, golf, ba-lê. Nếu bạn có các triệu chứng đau khớp, cứng khớp hoặc khó chịu ở khớp háng không cải thiện trong vòng 6 tuần hoặc trở nên nặng hơn, hãy liên hệ bác sĩ cơ xương khớp để được khám và điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: Sụn xương và những điều bạn cần biết về mô cấu tạo của cơ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *