Loạn sản sợi cơ là bệnh lý gây ra do hẹp hoặc phình các động mạch kích thước trung bình trong cơ thể. Hẹp động mạch làm giảm lưu lượng máu và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan. Bệnh thường gặp ở động mạch nuôi thận và não. Có thể gặp ở các động mạch khác như ở chân, tim, bụng, tay. Hãy cùng YouMed theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất về Loạn sản sợi cơ.
1. Dấu hiệu nhận biết Loạn sản sợi cơ là gì?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Triệu chứng của Loạn sản sợi cơ tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng. Đôi khi có nhiều hơn một động mạch bị hẹp. Nhiều người bị Loạn sản sợi cơ mà không có triệu chứng gì.
Triệu chứng ở thận
Nếu động mạch thận bị tổn thương, bạn có thể có:
- Huyết áp cao
- Tổn thương nhu mô thận (thận teo do thiếu máu cục bộ)
- Suy thận mạn (hiếm gặp)
Triệu chứng ở não
Nếu động mạch đến nuôi não (động mạch cảnh) bị ảnh hưởng, bạn có thể có:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Mất thị lực tạm thời
- Ù tai
- Đau cổ
- Yếu hoặc liệt mặt
- Yếu hoặc liệt chi
- Nói khó
Triệu chứng ở bụng
Nếu động mạch mạc treo bị ảnh hưởng, bạn có thể có các triệu chứng:
- Đau bụng sau khi ăn
- Giảm cân ngoài ý muốn
Triệu chứng ở tim
Loạn sản sợi cơ thường đi kèm với rách thành động mạch vành. Hay còn gọi là bóc tách động mạch hoặc bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD). Nhưng mối tương quan giữa hai bệnh lý này vẫn chưa rõ ràng. Nếu động mạch vành bị ảnh hưởng, các triệu chứng có thể là:
- Đau ngực
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn
Triệu chứng ở tay và chân
Nếu động mạch ngoại biên bị ảnh hưởng, các triệu chứng có thể có là:
- Khó chịu khi cử động cẳng chân, bàn chân, cánh tay hoặc bàn tay
- Chi lạnh
- Yếu cơ
- Liệt cơ
- Đổi màu da
2. Nguyên nhân gây ra Loạn sản sợi cơ là gì?
Nguyên nhân gây Loạn sản sợi cơ vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể góp phần
- Di truyền. Nếu gia đình bạn có người bị loạn sản sợi cơ, bạn cũng có thể bị. Bệnh có thể xảy ra ở một động mạch khác hoặc bạn có thể bị nhẹ hơn hoặc nặng hơn. Hoặc bạn có thể không bị bệnh.
- Hormone. Phụ nữ thường bị loạn sản sợi cơ nhiều hơn nam giới, nên các nhà nghiên cứu cho rằng hormone có thể đóng vai trò trong diễn tiến bệnh. Nhưng thực sự bằng cách nào thì vẫn chưa rõ. Loạn sản sợi cơ không liên quan đến việc dùng thuốc ngừa thai, số lần sanh hoặc tuổi mẹ lúc sanh.
- Dị dạng động mạch. Sự thiếu hụt oxy đến động mạch, dùng thuốc hoặc hút thuốc lá có thể làm cho động mạch phát triển bất thường. Dẫn đến giảm lưu lượng máu. Đôi khi động mạch có thể ở vị trí bất thường.
3. Yếu tố nguy cơ của Loạn sản sợi cơ là gì?
Một số yếu tố có nguy cơ gây loạn sản sợi cơ là:
- Giới tính. Nữ thường có nguy cơ bị loạn sản sợi cơ nhiều hơn nam
- Tuổi. Loạn sản sợi cơ thường được chẩn đoán sau 50 tuổi
- Hút thuốc lá. Nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ ngay. Người hút thuốc lá có nguy cơ cao tiến triển loạn sản sợi cơ. Với những người đã được chẩn đoán bệnh, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị loạn sản sợi cơ nặng.
4. Loạn sản sợi cơ gây ra hậu quả gì?
Loạn sản sợi cơ có thể gây ra nhiều biến chứng. Bao gồm:
- Tăng huyết áp. Biến chứng thường gặp của loạn sản sợi cơ là tăng huyết áp. Hẹp động mạch gây tăng áp lực lên thành mạch, dẫn đến tổn thương động mạch, bệnh tim mạch hoặc suy tim
- Bóc tách động mạch. Loạn sản sợi cơ và rách thành động mạch thường đi kèm với nhau. Còn được gọi là bóc tách động mạch hoặc bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD). Có thể làm giảm lưu lượng máu đến cơ quan do động mạch đó cung cấp. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào.
- Phình động mạch. Loạn sản sợi cơ có thể làm suy yếu thành động mạch, tạo nên túi phình gọi là phình động mạch. Nếu túi phình bị vỡ có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Túi phình động mạch có thể xuất hiện ở bất kỳ động mạch nào bị tổn thương do loạn sản sợi cơ. Nếu bạn có bóc tách động mạch cảnh hoặc túi phình động mạch não, bạn có thể bị đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
5. Chẩn đoán Loạn sản sợi cơ cần những gì?
Vì loạn sản sợi cơ có thể không gây ra triệu chứng, nên bệnh có thể bị bỏ sót.
Nếu gia đình bạn có người bị loạn sản sợi cơ hoặc phình động mạch, bạn sẽ được đề nghị tầm soát loạn sản sợi cơ.
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm, bao gồm đường huyết và cholesterol máu, để tìm các dấu hiệu của xơ vữa động mạch, cũng là một bệnh lý gây hẹp động mạch.
Xét nghiệm chẩn đoán loạn sản sợi cơ bao gồm:
- Siêu âm. Xác định xem động mạch có bị hẹp hay không. Đo tốc độ dòng máu và kích thước, hình dạng của mạch máu.
- Chụp mạch máu qua catheter. Catheter sẽ được đưa vào bên trong mạch máu cần được quan sát. Một lượng nhỏ thuốc cản quang được bơm qua catheter và cho ra hình ảnh trên X-quang.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch máu. CT mạch máu sẽ cho ra những hình ảnh lát cắt của cơ thể. Giúp phát hiện chỗ hẹp động mạch, túi phình và bóc tách động mạch. Trước khi chụp, bạn sẽ được tiêm thuốc cản quang.
- Cộng hưởng từ (MRI). MRI sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh của cơ thể. Giúp phát hiện túi phình hoặc bóc tách động mạch.
Dạng loạn sản sợi cơ thường gặp nhất có hình “chuỗi hạt” trên xét nghiệm hình ảnh học. Dạng nặng hơn của loạn sản sợi cơ cho hình ảnh nhẵn hơn.
Khi bạn được chẩn đoán Loạn sản sợi cơ, bác sĩ có thể làm lại xét nghiệm hình ảnh học nhiều lần để theo dõi sự thay đổi các dấu hiệu hoặc tình trạng nặng hơn của bệnh.
6. Điều trị Loạn sản sợi cơ như thế nào?
Điều trị loạn sản sợi cơ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, vị trí động mạch bị hẹp và các bệnh lý khác mà bạn đang có, chẳng hạn như tăng huyết áp. Các phương pháp điều trị bao gồm thuốc, thủ thuật cải thiện lưu lượng máu và phẫu thuật.
Thuốc
Điều trị dùng thuốc tăng huyết áp được khuyến cáo cho hầu hết những người bị loạn sản sợi cơ. Ngay cả khi họ đã được can thiệp để điều trị. Một số loại thuốc khác cũng được sử dụng như:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Chẳng hạn như benazepril, enalapril hoặc lisinopril, giúp giãn mạch máu
- Chẹn thụ thể angiotensin II. Giúp giãn mạch máu. Điển hình là candesartan, irbesartan, losartan và valsartan
- Thuốc lợi tiểu. Chẳng hạn như ydrochlorothiazide, giúp tống xuất lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể và có thể dùng với các thuốc hạ áp khác
- Chẹn kênh canxi. Chẳng hạn như amlodipine, nifedipine, giúp làm giãn mạch máu
- Chẹn beta. Chẳng hạn như metoprolol, atenolol, làm giảm nhịp tim và kháng adrenaline
Bác sĩ cũng có thể đề nghị aspirin dùng hàng ngày để giảm nguy cơ đột quỵ. Nhưng không nên dùng aspirin khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Một số thuốc điều trị loạn sản sợi cơ ở trên có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm máu và nước tiểu để đảm bảo thận của bạn hoạt động bình thường khi bắt đầu dùng thuốc.
Phẫu thuật và thủ thuật
Tạo hình lòng mạch qua da (PTA)
Thủ thuật này được ưa chuộng hơn phẫu thuật và thường làm cùng lúc với chụp mạch máu qua catheter. Khi chụp mạch máu, thuốc cản quang được tiêm qua catheter vào trong động mạch. X-quang giúp quan sát đường đi của thuốc trong lòng mạch, bộc lộ vùng bị hẹp. Một sợi dây dẫn được luồn vào động mạch và một catheter có bóng được đưa vào chỗ hẹp. Bóng sau đó sẽ được bơm phồng lên để nong rộng chỗ hẹp. Nếu có tổn thương nghiêm trọng do loạn sản sợi cơ, chẳng hạn như túi phình động mạch, bác sĩ sẽ đặt stent vào chỗ yếu trên thành mạch để ngừa động mạch bị vỡ.
Phẫu thuật tái thông mạch máu
Phẫu thuật sửa chữa động mạch bị tổn thương hiếm khi được chỉ định. Thường được chỉ định chỉ khi có biến chứng. Tuy nhiên, nếu không có PTA và động mạch bị hẹp nhiều, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật xâm lấn hơn để sửa chữa hoặc thay thế động mạch. Loại phẫu thuật được chỉ định sẽ dựa vào vị trí hẹp và mức độ tổn thương của động mạch.
Loạn sản sợi cơ là bệnh lý gây thiếu máu nuôi cơ quan và nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể di truyền trong gia đình. Nếu bạn có các triệu chứng như đột ngột thay đổi thị lực, nói khó hoặc yếu tay chân, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị hiệu quả nhất.
>> Xem thêm: Nhồi máu mạc treo nguy hiểm ra sao